Vinatex chia sẻ kinh nghiệm vượt khó của dệt may giai đoạn COVID-19

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex, dù dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, song ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu từ 38-39 tỷ USD trong năm 2021.
Vinatex chia sẻ kinh nghiệm vượt khó của dệt may giai đoạn COVID-19 ảnh 1Việc triển khai nhiều giải pháp chống dịch đã giúp cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam có mức suy giảm thấp nhất xét về mặt hàng quần áo trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may thế giới. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp song lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, xuất khẩu dệt may năm 2021 của Việt Nam sẽ phấn đấu đạt đạt kim ngạch xuất khẩu từ 38-39 tỷ USD, tương đương năm 2020.

Giữ vững top 5 xuất khẩu dệt may

Thông tin tại cuộc họp Chính phủ với địa phương ngày 29/12, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam là nước duy nhất trong top 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới không bị cách ly và không bị dừng sản xuất.

Vì vậy, việc triển khai nhiều giải pháp chống dịch đã giúp cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam có mức suy giảm thấp nhất xét về mặt hàng quần áo trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may thế giới.

[Bứt tốc chặng cuối, xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 vượt 281 tỷ USD]

Tuy vậy, theo ông Trường, dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp tới kết quả sản xuất-kinh doanh của ngành. Theo đó, 2020 là năm đầu tiên sau 25 năm xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trưởng âm 10,5%, tức là chỉ đạt 35 tỷ USD, giảm so với con số 39 tỷ USD năm 2019.

Kết quả trên, nếu đặt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm trên 52% (từ 740 tỷ USD về 600 tỷ USD), các quốc gia cạnh tranh trong lĩnh vực dệt may đều có mức giảm từ 15-20% thậm chí gần 30% do bị cách ly dài sẽ thấy rõ những nỗ lực của ngành dệt may trong nước.

Ông Lê Tiến Trường cho biết nhờ không bị gián đoạn sản xuất nên thị phần của ngành thời trang dệt may Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tại các thị trường lớn.

Cùng với đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tuy không thể bù đắp được sự sụt giảm về kim ngạch song đã có tác dụng đáng kể trong việc giảm thiểu thiếu hụt đơn hàng.

Về nội tại, ngành dệt may đã chủ động từ đầu năm khi chuỗi cung ứng nguyên liệu bị gián đoạn bằng nhiều giải pháp tổng hợp, như dịch chuyển nguồn cung; tham gia ngay từ đầu tháng 2/2020 sản xuất các sản phẩm PPE phục vụ phòng dịch trong nước, đảm bảo nhu cầu, bình ổn giá và từ tháng 3-6 là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

“Ngành đã xác định ngay từ đầu: 2 tài sản quan trọng nhất phải quyết tâm bảo vệ là lực lượng lao động lành nghề và vị trí chuỗi cung ứng toàn cầu, với mục tiêu phải đủ năng lực phục hồi ngay khi thị trường trở lại. Chính với quan điểm đó nên ngành dệt may và da giầy đã cơ bản đảm bảo việc làm cho 1 lực lượng lao động rất lớn lên đến hơn 4 triệu người: Dù việc ít đi, thu nhập thấp đi nhưng vẫn trên mức tối thiểu và không làm mất việc người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội,” ông Trường nói.

Mục tiêu 39 tỷ USD năm 2021

Cũng theo ông Trường, năm 2020 tuy kim ngạch xuất khẩu dệt may của Vinatex giảm 10%, lợi nhuận giảm 15% nhưng tiền lương chỉ giảm 4,5%, đạt trung bình 8,05 triệu đồng/người/tháng, giữ đủ việc làm cho 150.000 lao động cũng như chưa phải nhận các khoản trợ cấp cho lao động để giữ được vị thế doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Dự báo thời gian tới, ông Lê Tiến Trường cho biết nhu cầu về dệt may thế giới vẫn còn thấp và để phục hồi như năm 2019 thì sớm nhất phải vào quý 2/2020, chậm nhất là quý 4/2020. Chính vì vậy, 2021 vẫn còn là năm khó khăn với toàn ngành.

Từ nhận định đó, theo lãnh đạo Vinatex, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD vào năm tới.

Để đạt mục tiêu này, đại diện Vinatex kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lãi suất…; có chính sách cụ thể cho công nghiệp hỗ trợ dệt may, kể cả không gian và các điều kiện kích thích phát triển.

Ông Trường cũng đề nghị các địa phương ủng hộ dệt may phát triển trên nguyên tắc bền vững, sản xuất sạch mà dệt may phải tuân thủ theo các quy ước toàn cầu của chuỗi cung ứng.

Đại diện Vinatex kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tiết giảm được chi phí ngoài sản xuất, nhất là chi phí logistics thông qua quy hoạch mạng lưới logistics quốc gia cùng các chi phí phi thuế quan khác và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các FTA thông qua hướng dẫn các quy trình đáp ứng quy tắc xuất xứ…

“Với niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, ngành dệt may quyết tâm thực hiện mục tiêu trở lại mạnh mẽ năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu từ 38-39 tỷ USD,” ông Lê Tiến Trường nói.

Vinatex chia sẻ kinh nghiệm vượt khó của dệt may giai đoạn COVID-19 ảnh 2Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại cuộc họp Chính phủ với địa phương ngày 29/12. (Ảnh: TTXVN)

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Theo đó, phòng chống COVID-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, các đột phá chiến lược, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp, các sản phẩm cũng như đẩy nhanh chuyển đổi số.

“Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tập trung hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý và triển khai các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin thêm mới đây đơn vị này đã cùng các bộ, ngành khai trương Cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam - Vietnam FTA Portal (tại địa chỉ http://fta.moit.gov.vn/) nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới.

“Cổng thông tin điện tử về các Hiệp định thương mại tự do ra đời và chính thức đi vào hoạt động gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục