Vinalines tự mình vươn khơi, xóa tan suy nghĩ con tàu… đã chìm

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã “tự thở bằng hơi thở của mình” khi công tác tái cơ cấu đang có hiệu quả đã giúp kết quả sản xuất kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ thực hiện việc bán bớt các tàu già, hoạt động không hiệu quả để cắt lỗ.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ thực hiện việc bán bớt các tàu già, hoạt động không hiệu quả để cắt lỗ.

Ngoài việc bán bớt các tàu già, hoạt động không hiệu quả để cắt lỗ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vẫn tiếp tục công cuộc tái cơ cấu khi tiến hành thoái vốn tại các doanh nghiệp góp vốn và giảm mạnh số nợ phải trả.

Bán 'tàu già' để cắt lỗ

Theo báo cáo của Vinalines, từ năm 2014, Tổng công ty đã thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ đội tàu vận tải từ 154 tàu xuống 81 tàu. Tổng trọng tải đội tàu của đơn vị hiện là hơn 1,7 triệu tấn, số tuổi tàu trung bình là 16,7, trọng tải bình quân là 21.470 tấn/tàu (chiếm trọng tải tương đương 25% đội tàu của Việt Nam).

Trong bối cảnh thị trường vận tải biển còn chông chênh, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết, Tổng công ty sẽ tiếp tục thanh lý các tàu già, tình trạng kỹ thuật kém, chi phí sửa chữa lớn để cắt lỗ, cải thiện kết quả kinh doanh.

Cụ thể, năm 2019, Vinalines sẽ thanh lý, nhượng bán 11 tàu với tổng trọng tải khoảng 232.000 tấn. Trong đó, số tàu nhượng bán, thanh lý tại công ty mẹ là 3 tàu với tổng trọng tải 127.000 tấn, số tàu bán tại các công ty con là 8 tàu với tổng trọng tải là 105.000 tấn. Dự kiến, giai đoạn 2019-2020, số tàu thanh lý, chuyển giao là 23 tàu với tổng trọng tải khoảng 500.000 tấn.

[Vì sao Vinalines phải bán thanh lý hàng loạt tàu để cắt lỗ?]

“Chủ trương tái cơ cấu đội tàu đã giúp Vinalines giải quyết được những tàu già, cũ, vốn đầu tư lớn nhưng khai thác không hiệu quả, khối vận tải biển đã giảm lỗ hơn 70%,” ông Tĩnh nhìn nhận.

Cùng với việc thanh lý tàu già, Vinalines sẽ nghiên cứu đầu tư đội tàu mới có công nghệ hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu. Dự kiến, sẽ có 4 tàu container cỡ 1.000-5.000 tấn, 3 tàu hàng rời (15.000-35.000 tấn), một tàu chở hàng khô (50.000-60.000 tấn) được đơn vị đầu tư dưới hình thức mua hoặc thuê mua nhằm tăng cường năng lực vận tải trên toàn Tổng công ty, tăng khả năng cạnh tranh khi thị trường vận tải biển phục hồi.

Mục tiêu đến năm 2020, đội tàu của Vinalines sẽ có tổng trọng tải khoảng 1,1 triệu tấn, tuổi tàu bình quân khoảng 14 tuổi với cơ cấu đội tàu container chiếm khoảng 13%, tàu hàng lỏng chiếm khoảng 9%, tàu hàng khô và hàng rời chiếm khoảng 78%.

Trên cơ sở đầu tư đội tàu mới, Vinalines sẽ phối hợp với các doanh nghiệp cảng biển, logistics thiết kế các dịch vụ tích hợp nhằm tạo ra chuỗi cung ứng dịch vụ trọn gói vừa mang lại lợi ích kinh tế cho khách hàng, vừa nâng cao tính cạnh tranh của Tổng công ty.

Thoái vốn và giảm nợ

Trong giai đoạn năm 2019-2020, Tổng công ty sẽ thực hiện thoái vốn/giảm vốn tại 18 doanh nghiệp, trong đó, thoái vốn toàn bộ, thu gọn đầu mối tại 9 doanh nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp vận tải biển kinh doanh thua lỗ kéo dài, khó có khả năng hồi phục.

Đặc biệt, vốn đầu tư tại các doanh nghiệp kinh doanh ngoài ngành như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản,… cũng đã được Vinalines rút toàn bộ để tập trung trong 3 ngành nghề kinh doanh chính là khai thác cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải.

“Việc thoái vốn tại doanh nghiệp thành viên kinh doanh kém hiệu quả đã góp phần đưa tổng số nợ phải trả của toàn Tổng công ty giảm mạnh từ hơn 67.500 tỷ đồng (trước thời điểm tái cơ cấu năm 2013) xuống còn hơn 17.100 tỷ đồng tại thời điểm tháng 3/2019,” lãnh đạo Vinalines cho hay.

[Con tàu Vinalines: Hồi sinh từ ‘bùn lầy’ để vươn mình ra khơi]

Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh (hợp nhất) của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, sản lượng vận tải biển năm 2019 là 19,9 triệu tấn, sản lượng hàng thông qua cảng 99,9 triệu tấn. Doanh thu khoảng 13.874 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 304 tỷ đồng.

Vinalines tự mình vươn khơi, xóa tan suy nghĩ con tàu… đã chìm ảnh 1Cảng Cái Mép ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Một tín hiệu tích cực về các chỉ số kinh doanh vượt trên kỳ vọng của Vinalines khi chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, sản lượng vận tải biển ước tính gần 11,7 triệu tấn, đạt hơn 59% kế hoạch; sản lượng hàng thông qua cảng biển ước khoảng gần 50 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, sản lượng container đạt 2,2 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu đạt được là hơn 5.884 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 113 tỷ đồng (số liệu này chưa bao gồm kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn).

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Vinalines cho hay, Vinalines sẽ tập trung công tác phát triển thị trường lấy khách hàng làm trung tâm, lấy sự hài lòng của khách hàng làm thước đo giá trị của doanh nghiệp.

Đi liền với đó, “ông lớn” ngành hàng hải sẽ phát triển dịch vụ chuỗi trên cơ sở tối ưu hóa nguồn lực, năng lực của các đơn vị thành viên nhằm đưa ra các giải pháp tổng thể với tổng chi phí logistics trên toàn chuỗi thấp nhất cho khách hàng, với chất lượng dịch vụ cao nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục