Vinalines chốt giá trị doanh nghiệp để tiến hành cổ phần hóa

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vừa chính thức trình gửi Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ để làm cơ sở cho việc thực hiện cổ phần hóa.
Vinalines chốt giá trị doanh nghiệp để tiến hành cổ phần hóa ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: shipspotting)

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa trình gửi Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ để làm cơ sở cho việc thực hiện cổ phần hóa.

Theo đó, giá trị thực tế của doanh nghiệp để cổ phần hóa tại thời điểm ngày 31/12/2016 được phía Vinalines định giá lên tới 16.741 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 10.144 tỷ đồng. Tài sản không tính vào giá trị doanh nghiệp là 1.237 tỷ đồng.

[Vinalines bán tàu thanh lý: Quyết tâm bán vì càng "ôm" càng lỗ]

Liên danh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và Thẩm định giá Việt Nam và Công ty Trách nhiệm hữu hạn hãng Kiểm toán và Định giá ATC được lựa chọn để xác định giá trị doanh nghiệp của Vinalines.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận phương án cổ phần hóa theo hướng Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại Công ty mẹ - Vinalines đồng thời Vinalines lại được nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại các công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn và Cảng Đà Nẵng. Thời điểm xác định lại giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ - Vinalines được ấn định là ngày 31/12/2016.

[Điều chỉnh tỷ lệ cổ phần Vinalines nắm giữ tại các cảng biển]

Việc quyết định nắm giữ 65% vốn điều lệ Công ty mẹ - Vinalines cho thấy, Chính phủ đánh giá rất cao vai trò quan trọng của Tổng công ty này trong đời sống kinh tế - xã hội. Tỷ lệ nắm giữ này sẽ không làm giảm quá nhiều sức hấp dẫn của cổ phiếu Vinalines khi mời gọi các đối tác chiến lược trong và ngoài nước.

Trước đó, vào tháng 3/2015, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn tất các công việc chuẩn bị cho IPO của Công ty mẹ - Vinalines theo hướng bán 64% vốn Nhà nước hiện có tại đây, phát hành thêm cổ phần để tăng vốn, hoán đổi nợ lấy cổ phần.

Sau IPO, Nhà nước sẽ chỉ giữ lại 36% vốn. Khi ấy, nhiều tập đoàn tư nhân lớn đã đánh tiếng mua lại hầu hết cổ phần tại các cảng biển như cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng, cảng Sài Gòn.

[Vì sao Vinalines phải bán thanh lý hàng loạt tàu để cắt lỗ?]

Vào thời điểm cuối năm 2014, Vinalines được định giá 21.287 tỉ đồng (tương đương 1 tỷ USD), vốn Nhà nước có gần 9.000 tỷ đồng. Sau 3 năm tái cơ cấu công ty mẹ (từ 31/12/2013 đến 31/12/2016), Vinalines đã giảm nợ được 8.021 tỷ đồng, ghi tăng vốn nhà nước 2.883 tỷ đồng. Riêng trong năm 2016, công ty mẹ giảm được 2.306 tỷ đồng nợ, tăng thêm 21,5% vốn Nhà nước so với thời điểm 1/1/2016./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục