Vinaconex giải trình về việc bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Chiều 1/4, Vinaconex tổ chức buổi trao đổi và thông tin bất thường liên quan đến việc Tòa án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Tổng công ty này.

Chiều 1/4, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tổ chức buổi trao đổi và thông tin bất thường liên quan đến việc Tòa án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Tổng công ty này.

Theo Vinaconex, ngày 27/3, doanh nghiệp này nhận được hai văn bản của Tòa án nhân dân quận Đống Đa gồm Thông báo thụ lý việc kinh doanh thương mại về việc “Yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông” theo đơn yêu cầu của hai pháp nhân là Công ty trách nhiệm hữu hạn Bất động sản Cường Vũ, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Star Invest và hai cá nhân là ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Tòa án yêu cầu Vinaconex dừng thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1/2019. Tại đại hội này, Vinaconex đã bầu Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2022 sau khi các cổ đông lớn Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) thoái vốn. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Cùng với việc công bố thông tin về các quyết định của Tòa án, Vinaconex cho biết doanh nghiệp đã có văn bản khiếu nại gửi Tòa án, kiến nghị hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời nói trên; đồng thời, yêu cầu các bên liên quan bồi thường toàn bộ tổn thất cho doanh nghiệp và các cổ đông của Vinaconex từ việc áp dụng quyết định này; trong đó có việc giá cổ phiếu sụt giảm.

Cuộc họp bất thường do ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017-2022, và ông Dương Văn Mậu, Phó Tổng giám đốc chủ trì với sự tham gia của một số cổ đông và báo chí.

Ông Thanh chia sẻ Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1 do những người đại diện vốn nhà nước triệu tập nhằm chuyển giao quyền quản lý doanh nghiệp từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước làm đại diện sang nhà đầu tư trúng giá.

Trình tự và thủ tục triệu tập, kết quả cuộc họp đều được công bố công khai. Sau khi ban hành nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thì nhóm bốn tổ chức/cá nhân gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn Bất động sản Cường Vũ, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Star Invest, ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà không có ý kiến, kiến nghị hay yêu cầu gì đối với vấn đề tổ chức đại hội.

Sau khi Đại hội đồng cổ đông bất thường, các cuộc họp của Vinaconex đều được diễn ra một cách công khai minh bạch và có sự tham gia của tất cả các thành viên Hội đồng quản trị, bao gồm cả ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà. Tất cả mọi hoạt động đều diễn ra bình thường cho đến khi có sự việc hai thành viên Hội đồng quản trị này và hai công ty nói trên đột ngột khởi kiện Tổng công ty.

Trước lo ngại về giá cổ phiếu có biến động mạnh, ông Thanh khẳng định, không có chuyện làm giá. Mức giá hiện tại gần với giá trúng thầu của Công ty An Quý Hưng (cổ đông lớn của Vinaconex) dựa trên tính toán giá trị tài sản của Vinaconex ước tính khoảng 13.000 tỷ đồng.

Còn việc lãnh đạo Vinaconex muốn mua cổ phiếu quỹ được Phó Tổng giám đốc Dương Văn Mậu giải thích là để đảm bảo giá trị của cổ đông không bị ảnh hưởng nhưng hiện vẫn chưa thực hiện được. Đây là nhu cầu cần thiết để Tổng công ty năng động hơn trong việc thực hiện các dự án đầu tư.

Nếu Tổng giám đốc chỉ được quyết định đầu tư đến 5 tỷ đồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị được quyết định đến 15 tỷ đồng thì không phù hợp với quy mô đầu tư của doanh nghiệp nên cần phải tăng quyền chi tiêu cho các chức danh này - ông Mậu giải thích.

Một trong những nội dung được quan tâm tại cuộc họp là khi Tòa án có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì bộ máy điều hành doanh nghiệp hiện nay có đúng pháp luật?

Ông Dương Văn Mậu cho rằng trách nhiệm đối với cổ đông không phải là hủy bỏ mà áp dụng biện pháp tạm thời, tức là các nghị quyết mới sẽ không ký nữa mà doanh nghiệp có trách nhiệm nộp đầy đủ hồ sơ đến Tòa án nhân dân quận Đống Đa để họ thụ lý vụ kiện, giải quyết theo quy định.

Nếu Tòa án hủy bỏ thì Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông vẫn có hiệu lực; còn nếu sai thì tổ chức lại Đại hội đồng cổ đông chứ Ban điều hành hiện vẫn triển khai công việc bình thường.

Luật sư Lê Thanh Sơn - người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Vinaconex bày tỏ lo lắng cho tình trạng hiện nay của doanh nghiệp này. Tòa án ra văn bản này tức là phải tạm dừng thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, khi đó Hội đồng quản trị mới bầu được hiểu là vô hiệu. Như vậy, Tòa án đang đặt Vinaconex vào thế khó.

Trường hợp Tòa án vẫn giữ quyết định này thì các văn bản đã ban hành, hoạt động đã ký kết sẽ phải xử lý như thế nào. Thậm chí, các văn bản mà Hội đồng quản trị giao cho các Ban, đơn vị thành viên, Ban giám đốc điều hành... sẽ không có giá trị.

Vinaconex sẽ gặp khó khi bị dừng nhiều hoạt động, nhất là với các dự án cần thông qua nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc liên quan đến cơ quan chức năng... Như vậy, chỉ có Ban điều hành, từ Tổng giám đốc trở xuống hoạt động thực hiện theo điều lệ của Tổng công ty và quyết định của Đại hội đồng cổ đông trước đây thì mới có hiệu lực.

Do đó, luật sư Sơn đã tư vấn Vinaconex ngay lập tức có văn bản kiến nghị yêu cầu Tòa án rút ngay quyết định này. Còn nếu áp quyết định của Tòa án hiện nay thì Vinaconex lại phải quay lại làm việc dưới sự điều hành của Hội đồng quản trị cũ. Nếu sau này, Tòa án bác bỏ quyết định khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng quản trị cũ lại vô hiệu... Thế nên, cho dù tình huống nào xảy ra thì Vinaconex cũng rơi vào thế bất lợi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục