VIMC thoái vốn tại doanh nghiệp vận tải biển lâu đời nhất Việt Nam

VIMC sẽ tiếp tục chỉ đạo VOSCO triển khai tái cơ cấu tài chính thông qua việc mua bán nợ giữa Công ty Mua bán nợ VN và các tổ chức tài chính, với mục tiêu tái cơ cấu xong các khoản nợ trong năm 2021.
VOSCO là doanh nghiệp đã phát triển mạnh hoạt động thuê tàu đưa vào khai thác bên cạnh đội tàu mà Công ty sở hữu. (Ảnh: VIMC cung cấp)

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) sẽ thoái vốn tại Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) để chỉ nắm giữ 49% vốn điều lệ (giảm từ nắm giữ 51% vốn điều lệ).

Bên cạnh đó, VIMC sẽ tiếp tục chỉ đạo VOSCO triển khai việc tái cơ cấu tài chính thông qua việc mua bán nợ giữa Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và các tổ chức tài chính với mục tiêu tái cơ cấu xong các khoản nợ trong năm 2021.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của VOSCO vào sáng 28/6, theo lãnh đạo VIMC, năm 2021, VOSCO đặt ra mục tiêu sản lượng vận tải đạt 5 triệu tấn, doanh thu đạt 1.227 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 30 tỷ đồng.

“Đây là mục tiêu có phần khiêm tốn và thận trọng trong bối cảnh thị trường vận tải biển có nhiều diễn biến tích cực đồng thời VOSCO và VIMC đã có nhiều biện pháp và chiến lược phát triển đối với doanh nghiệp,” lãnh đạo VIMC nói.

Để đảm bảo cho VOSCO phát triển bền vững, đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe trong hoạt động vận tải biển, VIMC đã có chiến lược thanh lý các tàu biển có tuổi tàu cao, khó đáp ứng các điều kiện về môi trường và đầu tư bổ sung các tàu thế hệ mới, tiết kiệm nhiên liệu, đáp ứng điều kiện để hoạt động tại tất cả các vùng biển toàn cầu.

Cụ thể, trong giai đoạn đến 2025, VOSCO sẽ bán thanh lý 3 tàu gồm Đại Nam, Đại Minh, Nepture Star (tháng 4/2021, VOSCO đã bán thành công tàu Đại Nam, trọng tải 47.102 tấn) và đầu tư 4 tàu (cỡ Supramax với tổng trọng tải khoảng 200.000 tấn) thế hệ ecoship với tổng trọng tải 186.000 tấn để tận dụng thế mạnh của Công ty và cơ hội rất tốt của thị trường trong thời gian tới.

[Những đòn bẩy đưa 'ông trùm' hàng hải vượt 'sóng dữ' COVID-19]

Theo chiến lược phát triển của VIMC giai đoạn 2021-2025, VOSCO vẫn là doanh nghiệp hàng đầu trong các doanh nghiệp vận tải biển cùng hệ thống các doanh nghiệp cảng biển, dịch vụ hàng hải tạo nên chuỗi dịch vụ logistics trọn gói (door to door).

Từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021, dù vẫn chịu tác động rất lớn của đại dịch COVID-19, song lãnh đạo VIMC đánh giá thị trường vận tải biển đã có dấu hiệu phục hồi (chỉ số BDI đã đạt cột mốc trên 3.000 điểm) và được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng này đến hết năm 2021 và năm 2022.

Làm tốt công tác dự báo và kịp thời nắm bắt diễn biến tích cực của thị trường, VOSCO là doanh nghiệp đã phát triển mạnh hoạt động thuê tàu đưa vào khai thác bên cạnh đội tàu mà công ty sở hữu, nhằm tận dụng lợi thế của hệ thống quản lý kỹ thuật, quản lý khai thác có nhiều kinh nghiệm, đạt tiêu chuẩn quốc tế để tăng quy mô hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, VOSCO đã tăng cường công tác thị trường với trọng tâm phát triển các hợp đồng vận tải dài hạn với chân hàng lớn (hợp đồng COA); tích cực đàm phán để điều chỉnh giá cước hợp đồng theo diễn biến tích cực của thị trường; phát triển các tuyến vận tải có hiệu quả kinh tế cao (Atlantic, Nhật Bản, châu Âu, Australia…); áp dụng và triển khai các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tàu như kiểm soát tiêu thụ nhiên liệu, vật tư, phụ tùng thay thế, kiểm soát tốc độ khai thác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục