Giai đoạn 2021-2025, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vẫn tiếp tục tập trung hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chính là đầu tư nâng cấp hàng loạt các cảng biển trải dài trên 3 vùng miền của nước ta.
Theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIMC, Tổng công ty phát triển hệ thống cảng cho tàu trọng tải lớn; nghiên cứu đầu tư các cơ sở hạ tầng cảng biển tại các vị trí mới; nâng cấp, mở rộng đầu tư với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu và đầu tư chiều sâu (thiết bị, công nghệ thông tin) nhằm tăng năng lực khai thác và cạnh tranh.
Cụ thể, khu vực Hải Phòng VIMC đầu tư dự án xây dựng bến 3, 4 Cảng Lạch Huyện; đầu tư giai đoạn 2 Cảng VIMC Đình Vũ; phát triển hệ thống bến phao tại các khu neo.
Khu vực miền Trung, Cảng Đà Nẵng được đầu tư chiều sâu, nâng cao khả năng khai thác Cảng Tiên Sa; đề xuất đầu tư 2 bến khởi động Cảng Liên Chiểu; đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Trung tâm logistics tại Hòa Vang để kết nối, giảm lưu lượng hàng hóa qua cảng Tiên Sa; nghiên cứu phát triển các bến tàu khách.
Cảng Quy Nhơn đầu tư nâng cấp mở rộng bến số 1; dự án mở rộng Cảng Quy Nhơn đến năm 2030 (giai đoạn 1, khu đất 3,8ha) và các hạ tầng cảng cạn (ICD), kho bãi kết nối.
Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng công ty sẽ đầu tư hoàn thành dự án Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước; nghiên cứu, đề xuất triển khai dự án Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước giai đoạn 2; huy động nguồn lực, hợp tác với MSC nghiên cứu đầu tư khu bến trung chuyển container quốc tế quy mô lớn tại Cần Giờ.
Khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu, giai đoạn đến năm 2030, VIMC nghiên cứu tham gia đầu tư phát triển cảng cho tàu trọng tải lớn tại khu vực Cái Mép Hạ, đầu tư bến tàu khách.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, VIMC hoàn thiện cơ sở hạ tầng Cảng Cái Cui, thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cảng VIMC Hậu Giang giai đoạn 2.
[Cảng biển báo lãi, vận tải biển lợi nhuận dương sau nhiều năm lỗ]
Nhìn nhận trong thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của khối cảng biển VIMC tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC chỉ ra nguyên nhân là do các cảng mới liên tục ra đời kéo theo tình trạng dư cung (đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng suy giảm) như Cảng quốc tế Lạch Huyện HICT, Nghi Sơn, Chân Mây, Chu Lai, Vĩnh Tân, Nam Vân Phong, Bắc Vân Phong, Tân Cảng-Petro Cam Ranh, Dung Quất-Hoà Phát, Gemalink tại Bà Rịa-Vũng Tàu...
“Trong khi hệ thống phương tiện thiết bị, cơ sở hạ tầng tại nhiều cảng của VIMC còn thiếu đồng bộ, luồng vào cảng chưa được nạo vét kịp thời gây ảnh hưởng đến khai thác, ... khiến năng lực cạnh tranh bị hạn chế, một số cảng có kết quả lợi nhuận đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch giao. Mặc dù sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng trưởng của một số cảng còn thấp hơn mức tăng trưởng của khu vực,” ông Tĩnh đánh giá.
Để thúc đẩy và nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ tại các đơn vị cảng biển, VIMC đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản trị, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh; nhiều đơn vị đã nỗ lực và quyết tâm cải tiến, hoàn thiện hướng đến xây dựng hệ thống cảng thông minh, hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và hiệu quả hoạt động./.
Theo thống kê của VIMC, sản lượng khối cảng biển năm 2022 của doanh nghiệp đạt 124 triệu tấn (bằng 93% kế hoạch). Lợi nhuận đạt 1.483 tỷ đồng (đạt 89% kế hoạch) và giảm 43% so với năm 2021, chủ yếu do giảm lợi nhuận Cảng Sài Gòn, Quy Nhơn… |