‘Viettel phải đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư’

Từ ngành nghề chính ban đầu là xây lắp công trình viễn thông, Viettel đã từng bước lớn mạnh, trở thành một trong 30 công ty viễn thông lớn trên thế giới, với doanh thu mỗi năm đạt hơn 10 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội.

Tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) diễn ra sáng 1/6 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho đơn vị này phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0.

Trong 30 năm qua, từ ngành nghề chính ban đầu là xây lắp công trình viễn thông, tới nay Viettel đã phát triển thêm 5 ngành nghề mới là dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin; nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử viễn thông; công nghiệp quốc phòng; công nghiệp an ninh mạng; cung cấp dịch vụ số. Viettel đã từng bước lớn mạnh trở thành 1 trong 30 công ty viễn thông lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 500 thương hiệu có giá trị toàn cầu. Tập đoàn này đã hiện diện tại 17 quốc gia, trong đó đầu tư và kinh doanh tại 10 thị trường nước ngoài, doanh thu hàng năm đạt hơn 10 tỷ USD.

[30 năm lịch sử và những lần tạo kỳ tích của Viettel]

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Viettel là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế, có khả năng cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn hàng đầu khu vực và thế giới. Đây cũng là tập đoàn kinh tế Nhà nước tiêu biểu.

Điểm lại doanh thu của Viettel, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay đây là minh chứng sống động cho hiệu quả của Viettel, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội, xóa tan quan niệm doanh nghiệp Nhà nước khó cạnh tranh hiệu quả và cho thấy bài học cho dù doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nào thì con người, quản trị là yếu tố quan trọng để thành công.

Bên cạnh làm tốt nhiệm vụ kinh tế, Viettel cũng làm tốt nhiệm vụ an ninh quốc phòng khi chủ động nghiên cứu, làm chủ công nghệ, thiết bị, khí tài quân sự, sản xuất ra nhiều sản phẩm quan trọng đưa vào trang bị trong quân đội, được đánh giá chất lượng tương đương với nước ngoài, phù hợp khả năng tác chiến… Những giải pháp này từng bước đưa vào sử dụng, tiết kiệm hàng trăm triệu USD cho đất nước, góp phần không bị lệ thuộc vào công nghệ thiết bị nước ngoài, tạo ra an ninh quốc phòng chủ động.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học và công nghệ, Thủ tướng cho hay trong thời gian tới, Việt Nam không chỉ phát triển công nghệ, làm chủ công nghệ mà cần phát minh, sáng chế công nghệ. Đây là con đường duy nhất để trở thành một quốc gia hùng cường, có nền kinh tế phát triển.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chưa khi nào công nghệ có thể tạo ra mô hình kinh doanh khác biệt với truyền thống như lúc này và cũng chưa bao giờ chúng ta nhìn thấy cơ hội đưa đất nước bứt phá như lúc này. Do đó, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao cho Viettel phải đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị Viettel phải phấn đấu trở thành tập đoàn công nghệ hùng mạnh ngang tầm trong khu vực và thế giới, cung cấp sản phẩm công nghệ cao có giá trị toàn cầu; đến 2025 đặt mục tiêu đứng trong 10 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới. Đến 2045, Viettel trở thành doanh nghiệp công nghệ cao có quy mô hàng đầu thế giới, tạo ra tiêu chuẩn quốc tế. Tập đoàn này cũng phải làm tốt trách nhiệm là doanh nghiệp quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia, tập trung vào chuyển đổi số cho Chính phủ, doanh nghiệp, xã hội.

Cùng lúc, Viettel phải phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp, trong đó có công nghiệp quốc phòng, công nghệ cao, đảm bảo an ninh mạng; giữ vững mô hình doanh nghiệp kiểu mẫu, luôn nhận nhiệm vụ khó khăn mà Đảng và nhà nước giao; bảo vệ thương hiệu, đổi mới phương pháp quản trị, làm chủ công nghệ, bồi đắp tinh thần Viettel…

‘Viettel phải đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư’ ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu xem các gian hàng trưng bày công nghệ của tập đoàn Viettel.

Tại sự kiện, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cho hay đơn vị này sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, tiên phong trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp, thục hiện chuyển đổi số và kiến tạo xã hội số ở Việt Nam.

“Chỉ có cách duy nhất để bảo tồn lịch sử là xây dựng tương lai. Những kỳ tích lớn lao của Viettel vẫn đang chờ được tạo nên ở phía trước. Đó là trách nhiệm và lời hứa của Viettel và chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì sứ mệnh ‘Sáng tạo vì con người’ để bảo vệ và phụng sự cho Tổ quốc, góp phần hưng thịnh đất nước,” ông Dũng chốt lại./.

Tính từ năm 2000 tới nay, Viettel đã tạo ra hơn 1,78 triệu tỷ đồng doanh thu lợi nhuận đạt 334.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 134.000 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thường xuyên đạt từ 30-40%. Viettel cũng đã chi 3.500 tỷ đồng thực hiện các chương trình xã hội.

Thời gian tới, đơn vị này sẽ đẩy mạnh 3 ngành công nghiệp công nghệ cao là điện tử viễn thông, công nghiệp quốc phòng và an ninh mạng nhằm bắt nhịp với thế giới trong cuộc cách mạng 4.0, góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền của đất nước trên không gian thực và không gian ảo.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục