Viettel "đòi” bình đẳng với nhà mạng không thống lĩnh thị trường

Viettel "đòi” bình đẳng với mạng di động không thống lĩnh thị trường

Trước việc đề nghị sửa đổi văn bản pháp luật để tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp của Viettel, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng theo nguyên tắc thì mạng lớn sẽ bị quản lý chặt hơn.
Viettel "đòi” bình đẳng với mạng di động không thống lĩnh thị trường ảnh 1Sau hơn mười năm, Viettel trở thành doanh nghiệp duy nhất có vị trí thống lĩnh thị trường viễn thông di động. (Ảnh minh họa: Viettel)

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra tại Hà Nội sáng 17/7, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) Hoàng Sơn đã đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để phù hợp với điều kiện mới của thị trường.

Ông Hoàng Sơn viện dẫn điều 54 của Luật Viễn thông quy định các doanh nghiệp viễn thông bình đẳng, không phân biệt về quản lý và giá cước viễn thông, trừ trường hợp doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.

Lãnh đạo doanh nghiệp viễn thông lớn nhất của Việt Nam cũng cho hay, khi Viettel tham gia đầu tư ở thị trường nước ngoài, từ các quốc gia nghèo tới những quốc gia có GDP lớn hơn Việt Nam nhiều, cơ bản Viettel vẫn bình đẳng phải cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp lớn, không có sự hỗ trợ của nước sở tại.

Bởi vậy, ông mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi một số quy định, như việc Thông tư quy định các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường phải chịu sự quản lý chặt hơn từ cơ quan quản lý… để thúc đẩy đảm cạnh tranh bình đẳng hơn.

[Viettel trở thành doanh nghiệp duy nhất thống lĩnh thị trường di động]

Tại một cuộc họp vào đầu tháng 6, một lãnh đạo của Viettel cũng từng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông không rút bất cứ mạng nào ra khỏi danh sách "doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường," với lý do tránh tình trạng người dùng chuyển từ mạng này sang mạng khác.

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BTTTT về việc sửa đổi một số quy định của Thông tư số 18/2012/TT-BTTTT. Thông tư 15 nêu rõ Viettel là doanh nghiệp viễn thông duy nhất ở Việt Nam có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ thông tin di động mặt đất, gồm dịch vụ điện thoại, nhắn tin và truy cập Internet.

Tại Thông tư số 18, cả Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Viettel đều được xếp là doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường. Tuy nhiên, khi MobiFone tách ra khỏi VNPT, con số thống kê cho thấy MobiFone và VinaPhone nắm giữ khoảng 18% thị phần và ra khỏi danh sách doanh nghiệp thống lĩnh.

Theo Luật Cạnh tranh, các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường sẽ bị cấm các hành vi như bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh; Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng; Áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh; Ngăn cản việc tham gia thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới…

Viettel hiện đang nắm giữ hơn 52% thị phần trên thị trường viễn thông di động. Theo quy định, các doanh nghiệp thống lĩnh sẽ bị quản chặt hơn, ví dụ như khi thay đổi đổi giá cước, khuyến mại giảm giá dịch vụ thì sẽ phải đăng ký với Cục Viễn thông và triển khai nếu được chấp thuận…

Trước đề xuất của Viettel, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, quan trọng nhất đối với viễn thông là duy trì áp lực cạnh tranh và nếu có một doanh nghiệp quá mạnh sẽ áp đảo hết đối thủ khác.

Trên thực tế, quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp thống lĩnh thị trường không chỉ chịu quy định của Luật Viễn thông mà còn phải tuân theo Luật Cạnh tranh. Ông Thắng yêu cầu Cục Viễn thông khi rà soát lại các văn bản pháp luật để cập nhật, chỉnh sửa thì phải tuân thủ theo các Luật đang có hiệu lực.

Đồng tình, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải băn khoăn khi Viettel đang là nhà mạng có thị phần dẫn đầu thị trường lại kiến nghị xin được bình đẳng với các mạng nhỏ hơn. Ông cũng cho rằng theo nguyên tắc thì các nhà mạng lớn bao giờ cũng phải chịu sự quản lý chặt hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục