Viettel cung cấp giải pháp giúp Văn phòng Chính phủ quản lý văn bản

Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc do Viettel triển khai đang được 700 cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ sử dụng. Hàng năm, hệ thống hỗ trợ xử lý hơn 160.000 văn bản đến...
Viettel cung cấp giải pháp giúp Văn phòng Chính phủ quản lý văn bản ảnh 1Chủ tịch Tập đoàn Viettel – Thiếu tướng Lê Đăng Dũng phát biểu tại Lễ khai trương Trục liên thông Văn bản Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông-Quân đội (Viettel), chiều 12/3 tại Lễ khai trương Trục liên thông Văn bản Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp ký ban hành văn bản điện tử trên hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc do đơn vị này triển khai, đánh dấu bước tiến mới cho cuộc cách mạng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Hệ thống Quản lý Văn bản và Hồ sơ công việc là hệ thống phần mềm quản lý điều hành tác nghiệp bao gồm các nghiệp vụ: Quản lý văn bản đi đến, Quản lý trình ký văn bản, Quản lý công việc, Quản lý hồ sơ điện tử... Đây là hệ thống phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ và công việc, thực hiện việc xử lý văn bản điện tử toàn trình từ trình ký, phê duyệt và ban hành văn bản điện tử.

Sau 6 năm nghiên cứu những phát sinh từ thực tiễn, may đo phù hợp với đặc thù của hệ thống văn bản Chính phủ, sau khi nhận nhiệm vụ triển khai xây dựng hệ thống Quản lý Văn bản và Hồ sơ công việc từ Chính phủ, Viettel đã xây dựng thành công hệ thống đầy đủ các tính năng phù hợp với tính chất công việc của Chính phủ và các đơn vị.

Hiện tại, đã có 100% đơn vị (95/95), gồm Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành kết nối hệ thống Quản lý Văn bản và Hồ sơ công việc.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định,  việc ứng dụng Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia là bước đột phá quan trọng giúp cho việc chuyển và nhận văn bản từ Trung ương đến địa phương thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia theo đúng quy định; huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để tập trung nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm quản lý văn bản nội bộ và triển khai hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, khắc phục tình trạng tại một số cơ quan văn thư nhận văn bản giấy nhưng không nhận được văn bản điện tử, dẫn đến việc phải đợi bản điện tử để tiếp nhận, xử lý…

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, trước mắt là các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, tài chính, đăng ký doanh nghiệp, đất đai quốc gia, hộ tịch điện tử và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, để trong giai đoạn 2020 - 2025 sẵn sàng kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được phát triển trên nền Trục liên thông văn bản quốc gia; bảo đảm tối đa an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức; không được để lộ, lọt dữ liệu và thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Đây là vấn đề trọng yếu, sống còn của Trục liên thông văn bản quốc gia.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cập nhật, bổ sung, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia nói riêng, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước nói chung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trực tiếp ký ban hành văn bản điện tử đầu tiên bằng giải pháp của Viettel vào ngày 12/3. Việc ứng dụng “Văn phòng điện tử không giấy” tại Văn phòng Chính phủ cũng giúp tiết kiệm chi phí hành chính bao gồm chi phí sao chụp văn bản, chi phí gửi văn bản qua dịch vụ bưu chính,… lên tới 1.100 tỷ đồng mỗi năm.

Hệ thống Quản lý Văn bản và Hồ sơ công việc đã giúp thay đổi căn bản phương thức làm việc của cán bộ công chức Văn phòng Chính phủ trong các công tác quản lý, tiếp nhận, xử lý và ban hành các văn bản hành chính. Thay vì trước đây chỉ các giấy tờ xử lý cần phải đến văn phòng để thực hiện thì nay các văn bản  đều được điện tử hóa trên phiên bản Di động (Mobile), rút gọn quy trình xử lý văn bản lên đến Bộ trưởng. Bên cạnh các nội dung cần phê duyệt gấp có thể xem xét ở mọi nơi mà vẫn đúng quy định.

Viettel cung cấp giải pháp giúp Văn phòng Chính phủ quản lý văn bản ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trực tiếp ký ban hành văn bản điện tử đầu tiên bằng giải pháp của Viettel. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chia sẻ tại sự kiện, Chủ tịch Tập đoàn Viettel – Thiếu tướng Lê Đăng Dũng phát biểu: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng Văn phòng Chính phủ kết nối đến các Bộ, Ban ngành địa phương để xây dựng hoàn chỉnh mô hình chính phủ không giấy tờ trong thời gian ngắn nhất. 

Với tinh thần chủ động, quyết tâm, tiên phong, chúng tôi cam kết sử dụng nguồn lực tốt nhất, đầu tư công nghệ tiên tiến hiện đại để triển khai nhanh nhất mọi nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó.”

Hệ thống Quản lý Văn bản và Hồ sơ công việc do Viettel triển khai đã và đang được 700 cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ sử dụng mỗi ngày. Hàng năm, hệ thống hỗ trợ xử lý hơn 160.000 văn bản đến, hỗ trợ phát hành hơn 30.000 văn bản điện tử.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục