VietnamPlus về nguồn Pác Bó: Hành trình về nơi in dấu chân Người

Hành trình Về nguồn Pác Bó là dịp để cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Điện tử VietnamPlus tìm hiểu rõ hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử hào hùng của dân tộc.
Trong hành trình Về nguồn, tập thể Báo Điện tử VietnamPlus tới thăm Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, Cao Bằng. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 10/3, Báo Điện tử VietnamPlus đã tổ chức hành trình Về nguồn, tới thăm Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng). Tham dự hành trình có toàn thể ban lãnh đạo, đội ngũ phóng viên, biên tập viên và nhân viên Báo Điện tử VietnamPlus.

[Mega Story: VietnamPlus - Hành trình không ngừng sáng tạo]

Truyền thống cách mạng

Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó là địa danh gắn với những hoạt động của Bác Hồ trong thời gian đầu Người trở về Tổ quốc, địa chỉ đỏ ghi dấu những nước trưởng thành của cách mạng Việt Nam - thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước (1941-1945).

Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về quê hương qua cột mốc số 108 (cũ), nay là cột mốc số 675, trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng Việt Nam. Sau một thời gian sống trong gia đình ông Lý Quốc Súng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuyển vào ở và làm việc tại hang Cốc Bó, hang Lũng Lạn và lán Khuổi Nặm.

Hang Cốc Bó là nơi là nơi Bác và cán bộ cách mạng ở từ ngày 8/2/1941 đến trung tuần tháng 3/1941. (Ảnh: Vietnam+)

Giữa rừng sâu, núi cao hiểm trở, vị cha già kính yêu của dân tộc đã vượt qua bao khó khăn, hiểm nguy để chèo lái con thuyền cách mạng giải phóng dân tộc. Dù điều kiện vật chất thiếu thốn (với cháo bẹ, rau măng, bàn đá chông chênh, chiếc giường hẹp được ghép từ những mảnh ván cũ kỹ giữa hang tối ẩm ướt…) nhưng Người vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, tâm thế ung dung, tự tại để coi “cuộc đời cách mạng thật là sang.”

Tại đây, Người đã vạch ra nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Trong thời gian từ ngày 10-19/5/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại lán Khuổi Nặm. Hội nghị đã hoàn chỉnh đường lối chiến lược và sách lược, xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh.

Cũng tại đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo Việt Nam Độc Lập (số báo đầu tiên ngày 1/8/19411). Đến tháng 11/1941, Người đã chỉ đạo thành lập đội du kích Pác Bó, trở thành đội vũ trang Cao Bằng đầu tiên. Ngày 22/12/1944, theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo.

Trong thời gian này, Người đã biên soạn nhiều tài liệu quan trọng phục vụ sự nghiệp cách mạng như: bức thư “Kính cáo đồng bào” (ngày 6/6/1941), kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do, sách “Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô,” “Cách đánh du kích,” “Điều lệ Đảng”…

Ngày 4/5/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn cán bộ rời Pác Bó về Tân Trào (Tuyên Quang) để chỉ đạo, tập hợp quốc dân tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 02/9/1945).

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, Khu di tích lịch sử Pác Bó trở thành một trong những khu di tích quan trọng của cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Pác Bó là Di tích Quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 548/QĐ-TTg), thể hiện lòng tôn kính với lãnh tụ Hồ Chí Minh, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Theo Quy hoạch tổng thể di tích đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, di tích Pác Bó bao gồm: Cụm di tích khu vực đầu nguồn (hang Cốc Bó - tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn,” nền nhà ông Lý Quốc Súng, suối LêNin, cột mốc 108...), Các điểm lưu niệm tại khu trung tâm (Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và sân quảng trường, nhà trưng bày...), Cụm di tích Kim Đồng, Cụm di tích Bó Bẩm, Cụm di tích Khuổi Nặm.

Di tích lịch sử Kim Đồng nằm dưới chân núi Tèo Lài. (Ảnh: Vietnam+)

Tiếp bước cha anh

Hành trình về nguồn lần này là dịp để cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Điện tử VietnamPlus ôn lại truyền thống, hiểu rõ hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung; từ đó tiếp tục khơi gợi lòng tự hào dân tộc, tinh thần trách nhiệm trong việc góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

["Cần sớm hỗ trợ VietnamPlus triển khai Báo Điện tử Đối ngoại Quốc gia"]

Với vai trò báo đối ngoại của Chính phủ, VietnamPlus có nhiệm vụ thông tin tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các sự kiện thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra tại Việt Nam và thế giới theo quan điểm của Đảng, Nhà nước bằng năm thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ba Nha và tiếng Trung Quốc.

VietnamPlus cũng luôn là tờ báo tiên phong trong các xu hướng công nghệ báo chí hiện đại nhằm đưa tin tức đến với độc giả bằng nhiều cách và có chọn lọc từng đối tượng độc giả. Từ những năm đầy thành lập đến nay, VietnamPlus liên tục cập nhật và phổ biến xu hướng báo chí mới trên thế giới: phiên bản đọc báo đa ngôn ngữ trên mạng viễn thông đầu tiên tại Việt Nam, RapNews (sản xuất các bản tin bằng nhạc Rap), News Game (cập nhật tin tức thông qua trò chơi tương tác), đồ họa và đồ họa tương tác, ảnh và video 360 độ, Mega Story (tích hợp thông tin dạng text, ảnh, video clip, đồ họa trong cùng một sản phẩm), báo chí dữ liệu…

VietnamPlus cũng là cơ quan báo chí đầu tiên ở Việt Nam chính thức áp dụng hình thức đọc báo điện tử thu phí từ tháng 6/2018. Nối tiếp những bước đi tiên phong trước đó, VietnamPlus đã trở thành cơ quan báo chí chính thống đầu tiên của Việt Nam sử dụng chatbot để kết nối với độc giả, đánh dấu bước tiến mới của tòa soạn trong việc ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực báo chí.

Sử dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo, chatbot của VietnamPlus có khả năng cá nhân hóa cho mỗi người dùng, dựa vào lịch sử trao đổi, trò chuyện giữa người và máy. Người dùng có thể lựa chọn theo các chủ đề tin, nhập từ khóa nội dung mà họ muốn tìm kiếm hoặc ra lệnh bằng giọng nói.

VietnamPlus đã trở thành cơ quan báo chí chính thống đầu tiên của Việt Nam sử dụng chatbot để kết nối với độc giả. (Ảnh: Vietnam+)

Mới nhất, từ cuối tháng Hai, VietnamPlus chính thức ra mắt giao diện mới theo hướng hiện đại, thân thiện, giúp người đọc cập nhật thông tin thời sự nhanh nhất và tìm kiếm những nội dung một cách dễ dàng.

Việc VietnamPlus được vinh danh tại các giải báo chí lớn (Giải Báo chí Quốc gia, Giải Báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng, Giải Báo chí toàn quốc về Thông tin Đối ngoại…) trong nhiều năm liên tục đã khẳng định hướng đi đúng đắn của tòa soạn trong việc tiếp cận, triển khai và lan tỏa các xu hướng báo chí hiện đại, với mục tiêu nâng cao nghiệp vụ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên và chất lượng các tác phẩm báo chí, đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả, đưa tin tức đến với độc giả chính xác, nhanh nhạy, hiệu quả.

Với hành trình về nguồn, đội ngũ những người làm báo của Báo Điện tử VietnamPlus được tiếp thêm sức mạnh từ câu chuyện về những hy sinh, gian khổ của thế hệ cha anh, để vững tin hơn nữa trên con đường mình đã chọn trong việc cung cấp thông tin nhanh-đúng-trúng-hay cho độc giả trong và ngoài nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục