Lễ trao Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2023 đã được tổ chức sáng 18/11, tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Tại Lễ trao giải, Ban tổ chức đã trao 1 giải Đặc biệt (60 triệu đồng), 4 giải Nhất (30 triệu đồng/giải), 8 giải Nhì (15 triệu đồng/giải), 12 giải Ba (10 triệu đồng/giải) và 34 giải Khuyến khích (5 triệu đồng/giải) cho các tác phẩm xuất sắc.
Giải Đặc biệt đã được trao cho tác phẩm “Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới” của nhóm tác giả Phạm Thị Mai, Võ Hoàng Long, Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam).
Bốn tác phẩm đoạt giải Nhất của bốn loại hình báo chí, gồm tác phẩm “Phía sau những tấm huy chương Olympic quốc tế” của tác giả Nguyễn Thị Thu Phương, Báo Công an nhân dân (báo in); tác phẩm “Bất cập ở Phòng Giáo dục và Đào tạo” của nhóm tác giả Hà Ánh Ngọc, Nguyễn Thế Lượng, Hồ Thị Lài, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Nhung, Báo Giáo dục và Thời đại (báo điện tử); tác phẩm “Giáo viên bỏ việc: Vì đâu nên nỗi?” của tác giả Trần Bá Duy, Ban Văn hóa - Xã hội - Đài Tiếng nói Việt Nam (phát thanh); tác phẩm “Hoa đá” của nhóm tác giả Vũ Hồng Anh, Nguyễn Hồ Trí, Vương Văn Cơ, Phạm Ngọc Phức, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số - Đài Truyền hình Việt Nam.
Gần 800 tác phẩm dự thi Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam
Hội đồng Chung khảo đã đề xuất 1 giải Đặc biệt, 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 34 giải Khuyến khích, hai nhân vật tiêu biểu trong hai tác phẩm đoạt giải và 4 giải Cống hiến
Đánh dấu chặng đường 5 năm tổ chức Giải báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, Ban tổ chức đã trao giải “Cống hiến” cho các đơn vị: Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam; Ban Văn hóa-Xã hội, Đài Tiếng nói Việt Nam; Báo Lao động và Báo Vietnamnet.
Hai nhà giáo được trao giải nhân vật ấn tượng năm nay là cô giáo Bùi Thị Thu Hồng, nhân vật trong tác phẩm “Người truyền 'lửa' Then” (Báo Tuyên Quang) và thầy giáo Hoạ Sĩ Hiền, nhân vật trong tác phẩm “Thầy giáo nông dân” (Đài Phát thanh – Truyền hình An Giang).
Đây là sự kiện thường niên do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực thực hiện.
Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan thông tấn báo chí, các nhà báo đến từ các cơ quan báo chí có tác phẩm đoạt giải.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, Giải đã đi được chặng đường 5 năm, thời gian chưa quá dài nhưng đủ để chiêm nghiệm những đổi thay trong đời sống giáo dục và sự lớn mạnh, trưởng thành của Giải.
Bằng ghi nhận thực tế, sự dấn thân của mình, các nhà báo đã viết lên những tác phẩm chân thực, khách quan, phản ánh toàn diện, đa chiều các vấn đề về giáo dục trên khắp vùng miền. Bộ trưởng hoan nghênh, ghi nhận và gửi lời cảm ơn đến các phóng viên nói riêng và cơ quan báo chí trên cả nước nói chung, đã cung cấp thêm một góc nhìn mới về những gì đã, đang và sẽ diễn ra đối với giáo dục.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, mỗi tác phẩm là gạch nối của quá khứ, hiện tại và tương lai; là nhịp đập, hơi thở của đời sống giáo dục… để bồi đắp, gieo thêm niềm tin, lòng trắc ẩn và lan tỏa những điều tốt lành, tình yêu thương, bao dung đến với mỗi người. Từ đây, ngành Giáo dục có thêm cơ sở thực tiễn để đưa ra những chủ trương, quyết sách cho giáo dục nước nhà.
"Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” cũng là dịp để tri ân và tôn vinh những tác phẩm viết về giáo dục, vinh danh những tác giả luôn âm thầm, dõi theo từng bước đi của Giáo dục theo cách riêng của các nhà báo,” Bộ trưởng ghi nhận.
Với ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, Bộ trưởng tuyên bố phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2024. Ban tổ chức sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan báo chí, các phóng viên, nhà báo, để Giải ngày càng uy tín, chuyên nghiệp và có sức sống bền lâu.
Nhân dịp này, Bộ trưởng chúc các nhà báo luôn giữ ngọn lửa yêu nghề, “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để có thêm nhiều tác phẩm xuất sắc.
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2023 cho biết sau 5 năm tổ chức, từ mùa giải đầu tiên năm 2018, Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" ghi dấu sự thay đổi theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn, sức lan tỏa lớn hơn; phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng tác phẩm tham dự.
Trong số hơn 4.000 tác phẩm gửi đến Giải để dự thi trong 5 năm qua, có 251 tác phẩm báo chí xuất sắc được lựa chọn để trao giải; trong đó có 20 giải A, 40 giải B, 59 giải C và 132 giải Khuyến khích; 5 tác phẩm xuất sắc nhất được trao giải Đặc biệt. Gương mặt nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải cũng là điểm nhấn tích cực, nhân văn, thể hiện sự quan tâm của báo chí đối với đời sống giáo dục.
Cùng viết về giáo dục nhưng mỗi năm, những đề tài được chú trọng khai thác trong tác phẩm dự giải có khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung, các tác phẩm dự thi trong 5 năm qua gần như phản ánh được toàn diện, đa chiều vấn đề giáo dục khắp các vùng miền trên cả nước.
Không chỉ ghi nhận thực tế triển khai, nhiều bài viết có tính phản biện mạnh mẽ về những chủ trương, quyết sách của ngành; ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và người học. Không ít biện pháp khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong giáo dục được đề cập trong các tác phẩm; có những sáng kiến, tư duy đột phá mới, phản biện chính sách giáo dục, đem lại hiệu quả tốt đẹp.
Nhiều tác phẩm lan tỏa những tấm gương nhà giáo, những giá trị tốt đẹp mà giáo dục mang lại. Hầu hết tác phẩm dự thi thể hiện sự đầu tư công phu về thời gian, sức lao động, dấn thân của tác giả, sự chỉ đạo sâu sắc của Ban Biên tập. Thành công của Giải từ thực tiễn 5 năm qua cho thấy, vai trò quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp phát triển giáo dục-đào tạo./.