Lễ trao giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai (năm 2018-2019) đã được tổ chức trang trọng tại Hà Nội tối 15/8.
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.
Bên cạnh đó, buổi lễ còn có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương.
Đóng góp của TTXVN với công tác phòng, chống tham nhũng
Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam giành ba giải; trong đó, có một giải B và hai giải khuyến khích.
Giải B được trao cho tác phẩm “Ma trận vàng đen” trong cơn khát… năng lượng (tác giả: Võ Mạnh Hùng, đồ họa: Thanh Trà).
[Mega Story: “Ma trận vàng đen” trong cơn khát… năng lượng]
Loạt bài mang tới cho độc giả những góc nhìn cụ thể hơn về thực trạng quản lý, khai thác “vàng đen” tại các vùng mỏ trên cả nước.
Năm 2018, ngành than và ngành điện bỗng được nhắc đến nhiều hơn không phải bởi câu chuyện giá mà là hàng loạt nhà máy thủy điện trên cả nước lâm vào cảnh “đắp chiếu” hoặc hoạt động nửa vời, cầm chừng vì…thiếu nước. Cùng đó, một số nhà máy nhiệt điện cũng phải tạm ngừng hoạt động vì khan hiếm nguồn “vàng đen.” Nguy cơ thiếu điện trong mùa khô hiện hữu ngày càng rõ ràng.
Đi tìm hiểu cội rễ của vấn đề, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus phát hiện ra rất nhiều nghịch lý, trong đó nổi lên là hành trình khó hiểu của than. Theo dự kiến, năm 2019, nhiệt điện than sẽ chiếm tới 48% lượng điện của cả nước. Tuy nhiên, thời điểm này cũng là lúc phát lộ ra con đường vô cùng lắt léo và vòng vo của nguyên liệu cho nhiệt điện: Than trong nước được “xúc” lên xuất bán ồ ạt sang Trung Quốc với mức giá được cho là “bèo bọt.” Để rồi, ngành điện, đặc biệt là ngành than lại phải nhập khẩu than với giá cao từ các thị trường Indonesia, Nga, Australia… và cả Trung Quốc!
Câu hỏi đặt ra là, vì sao một quốc gia xuất khẩu than, chuyên “xúc” than lên bán lại thiếu than và phải nhập khẩu than với mức giá cao gấp nhiều lần như vậy? Loạt bài “Ma trận vàng đen” trong cơn khát… năng lượng góp phần làm sáng tỏ vấn đề trên.
Phóng viên VietnamPlus đã dành khoảng 1 năm để theo đuổi đề tài này. Trong quá trình triển khai, người viết đã đi thực tế, nhập vai người đi mua than, theo chân đội quân phu than, đầu nậu, thâm nhập vào một loạt “thiên đường than lậu” lớn nhất trên cả nước tại một số mỏ than của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên, để tìm hiểu về “ma trận vàng đen” trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện đang dần hiện hữu.
Sau quá trình thu thập tư liệu, loạt bài được trình bày dưới hình thức Mega Story (tích hợp nội dung, hình ảnh, video clip, dữ liệu, đồ họa…).
Ngay sau khi loạt bài được đăng tải trên Báo điện tử VietnamPlus, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh và các “ông lớn” về than yêu cầu kiểm tra, báo cáo cơ chế quản lý, chỉ đạo hoạt động khai thác than, xử lý nghiêm sai phạm.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm xử lý các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường quản lý nhà nước đối với tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh; tiếp thu ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý, sử dụng khoáng sản tại bãi thải các mỏ than, đảm bảo không bị thất thoát.
Đây là lần thứ hai liên tiếp Báo Điện tử VietnamPlus giành giải B tại giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.” Trước đó, vào năm 2017, VietnamPlus cũng đã dành một giải B và một giải khuyến khích.
Điểm nhấn ở phóng sự điều tra
Tại buổi lễ, ban tổ chức đã trao giải cho 35 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc (trong đó có 4 giải A, 9 giải B, 10 giải C và 12 giải khuyến khích).
Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai, năm 2018-2019 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức, được phát động từ ngày 2/1/2018-21/6/2019.
[Công cụ hữu hiệu để loại bỏ "sân sau," chống tham nhũng]
Tính đến hết ngày 21/6/2019, Ban tổ chức giải đã nhận được 1.046 tác phẩm gửi dự thi (trong đó có 1.002 tác phẩm hợp lệ) thuộc bốn loại hình (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.
Đánh giá về chất lượng tác phẩm tham dự giải, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Giải thưởng cho rằng, các tác phẩm đã bám tương đối sát với chủ đề, tiêu chí của giải thưởng, thể loại đa dạng, tập trung nhiều nhất vào mảng phóng sự điều tra, ký, chuyên luận.
Nhiều phóng sự truyền hình, phát thanh, bài chuyên luận, phóng sự trên báo in, báo điện tử cho thấy sự công phu, nghiêm túc, bài bản trong quá trình triển khai. Đặc biệt, giải năm nay có sự tham gia của các tác phẩm, phim tài liệu về đề tài nhân vật điển hình trong phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm.
Ông Trần Thanh Mẫn khẳng định, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ luôn đồng hành, chia sẻ với các cơ quan thông tấn báo chí và tiếp tục bảo vệ những người làm báo để mỗi nhà báo luôn thể hiện được bản lĩnh của mình trước cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt này.
Phát biểu tại lễ trao giải, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của đội ngũ người làm báo cả nước. Việc có hơn 1.000 tác phẩm dự thi của hơn 100 cơ quan thông tấn, báo chí ở cả trung ương và địa phương cho thấy sự vào cuộc tích cực của nhân dân cả nước đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Thủ tướng khẳng định, đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đảng, Nhà nước và người dân luôn trân trọng, đánh giá cao các cơ quan bao chí đã thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, tích cực tuyên truyền phổ biến quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Để phát huy tốt vai trò xung kích của báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan báo chí đặc biệt coi trọng tính khách quan, chân thực, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩ vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo trong việc phát hiện, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Cũng tại buổi lễ trao giải, ban tổ chức giải thưởng đã phát động “Giải báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba./.