VietnamPlus giành giải A, B, C tại Giải Báo chí Quốc gia 2018

Đây là năm thứ 7 liên tiếp, Báo điện tử VietnamPlus, thuộc Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam, giành các thứ hạng cao tại giải Báo chí Quốc gia, khẳng định tầm vóc của tờ báo cũng như TTXVN.
Phóng viên Võ Mạnh Hùng (Báo Điện tử VietnamPlus) nhận giải A với tác phẩm “Tội ác dưới những tán rừng xanh… Cửa đóng nhưng ruột vẫn rỗng.” (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ 13 (năm 2018) đã được tổ chức trang trọng tại Hà Nội tối 21/6 nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2019).

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương.

Bên cạnh đó, buổi lễ còn sự tham dự của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và đông đảo đội ngũ những người làm báo ưu tú trong cả nước.

Nhiều tác phẩm có tính phát hiện

Từ hơn 1.800 tác phẩm tham dự, Hội đồng Giải báo Quốc gia năm 2018 đã chọn được 106 tác phẩm xuất sắc để trao 6 giải A, 24 giải B, 42 giải C và 34 giải Khuyến khích.

Nhà báo Thuận Hữu - Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chung khảo cho biết, đây là những tác phẩm tiêu biểu về nội dung và hình thức, có tính định hướng dư luận xã hội, có hiệu quả tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán cũng như biểu dương, xây dựng của báo chí.

Các tác giả, đại diện nhóm tác giả nhận giải B Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 13. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 13, Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam giành năm giải, trong đó có một giải A, một giải B và ba giải C.

Đánh giá chung về chất lượng các tác phẩm tham dự giải, nhà báo Thuận Hữu cho biết, mặt bằng chất lượng chung các tác phẩm dự giải đồng đều hơn, nổi bật là sự vươn lên của các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Nhiều bài có tính phát hiện tốt, phản ánh những vấn đề nóng bỏng, được dư luận quan tâm.

[Phát triển báo chí đa phương tiện trong thời kỳ công nghệ]

Các tác phẩm đã phản ánh kịp thời các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2018 (tiếp tục thự hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết 04 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí…); phản ánh đậm nét nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa nổi bật (xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những sai phạm trong quản lý đất đai, nạn tín dụng đen, phòng chống thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội, xây dựng đô thị thông minh…).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 13 - năm 2018. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Phát biểu tại lễ trao giải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những tác giả được vinh danh tối 21/6, đồng thời ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của đội ngũ người làm báo cả nước.

Thủ tướng khẳng định, trong năm 2018, các cơ quan báo chí đã luôn bám sát, phản ánh kịp thời sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Các cơ quan báo chí cũng đã kịp thời cổ vũ nhân tố mới, gương người tốt việc tốt và phản ánh trung thực, sinh động tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.

“Sự xuất hiện của mạng xã hội bên cạnh mặt tích cực còn có những tiêu cực về tình trạng thông tin thiếu kiểm chứng, xuyên tạc, xấu độc, giả mạo, gây hại cho xã hội ngày càng gia tăng, có nguy cơ lấn át thông tin chính thống. Giữa bối cảnh đó, giới báo chí đã thể hiện những nguyên tắc cơ bản của nghề báo: chính xác, chính thống, nhanh nhạy, có kiểm chứng, khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin của báo chí,” Thủ tướng nhấn mạnh,

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và người dân luôn trân trọng, đánh giá cao vai trò xung kích của báo chí, góp phần tăng cường sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân và thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tại buổi lễ, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng đội ngũ những người làm công tác báo chí vững vàng bản lĩnh chính trị, giỏi nghiệp vụ, luôn giữ vững đạo đức báo chí với cái tâm trong

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý các đơn vị báo chí cần không ngừng sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức thể hiện, cập nhật những thành tựu khoa học công nghệ, để bắt kịp xu thế để chủ động hội nhập quốc tế và khu vực.

VietnamPlus lần thứ bảy liên tiếp giành giải cao

Tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 13, Báo Điện tử VietnamPlus giành một giải A, một giải B và một giải C. Đây là lần thứ bảy liên tiếp VietnamPlus giành thứ hạng cao tại Giải Báo chí Quốc gia. Kể từ năm 2012 đến nay, báo điện tử VietnamPlus đã giành ba giải A, bảy giải B và năm giải C tại Giải Báo chí quốc gia.

Cụ thể, Tác phẩm Tội ác dưới những tán rừng xanh… Cửa đóng nhưng ruột vẫn rỗng của tác giả Võ Mạnh Hùng giành giải A (hạng mục Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến trên báo điện tử).

Loạt bài đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: lý do gì mà thời gian qua “rừng vàng, biển bạc” trên toàn quốc liên tiếp bị lấn chiếm, tàn phá không thương tiếc, khiến nhiều khoảnh rừng bị mất trắng không còn màu xanh trên bản đồ, rồi hàng loạt vụ khai thác lâm sản (cây gỗ cổ thụ, quý hiếm) trái pháp luật vẫn diễn ra với mức độ ngày càng khủng khiếp như vậy?

[Tội ác dưới những tán rừng xanh… Cửa đóng nhưng ruột vẫn rỗng]

Sau nhiều tháng phóng viên đi thực địa, tiếp cận các “điểm nóng” phá rừng để điều tra, làm việc với các cấp chính quyền, đầu tháng 11/2018, Báo Điện tử VietnamPlus đã đăng tải loạt bài “Tội ác dưới những tán rừng xanh… Cửa đóng nhưng ruột vẫn rỗng.” Loạt bài đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm: lỗ hổng của Luật, vướng mắc từ cơ chế chính sách, đặc biệt là tình trạng buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, khi hàng loạt lãnh đạo cơ sở, cán bộ kiểm lâm đã bị cách chức, kỷ luật vì “tiếp tay” cho lâm tặc…

Ngay sau khi loạt bài được đăng tải trên Báo điện tử VietnamPlus, nhiều địa phương để xảy ra tình trạng phá rừng trên cả nước đã vào cuộc kiểm tra, ngăn chặn nạn phá “phá sơn lâm,” đồng thời tiến hành xử lý hàng loạt lãnh đạo, cán bộ kiểm lâm, biên phòng… bằng hình thức bị cách chức, kỷ luật.

Ngoài ra, giải B vinh danh tác phẩm Mega Story Họ hy sinh cho nước bạn hồi sinh (nhóm phóng viên VietnamPlus).

Năm 1975, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa kết thúc, những người lính chưa kịp trở về quê hương đã lại nhận lệnh lên đường khi toàn bộ tuyến biên giới Tây Nam bị kẻ thù xâm phạm.

Khi dân tộc Campuchia đứng trước thảm họa diệt vong, kêu gọi sự giúp đỡ, quân tình nguyện Việt Nam đã cùng Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia đánh đổ bè lũ diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary, một trong những chế độ bạo tàn nhất trong lịch sử loài người. Chiến thắng 40 năm về trước không chỉ làm hồi sinh đất nước Chùa Tháp, mà còn là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế. Ngày 7/1/1979 được coi là Ngày Hồi sinh của dân tộc Khmer. Đất nước Chùa Tháp để lại phía sau những trang sử u tối nhất.

Phóng viên Trần Sơn Bách - đại diện nhóm tác giả loạt bài “Họ hy sinh cho nước bạn hồi sinh” nhận giải B. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Sau bốn thập kỷ, lịch sử đã có cái nhìn khách quan, công bằng hơn về cuộc chiến đặc biệt ấy. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot, báo điện tử VietnamPlus đã tìm gặp các nhân chứng đã trực tiếp trải qua những năm tháng khó quên.

Họ là những người dân đã sống sót và hồi sinh sau cuộc thảm sát man rợ tại Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang); là những cựu chiến binh mặt trận Tây Nam từng cách cái chết chỉ một lằn ranh. Đó còn là những người dân Campuchia với ký ức kinh hoàng không thể quên trong các trại tập trung kiểu Pol Pot.

[Mega Story: Họ hy sinh cho nước bạn hồi sinh]

Bên cạnh đó, để đảm bảo cái nhìn toàn diện và khách quan cho loạt bài, các phóng viên của Báo điện tử VietnamPlus cũng đã tiếp cận và phỏng vấn độc quyền Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, người đã trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và chống diệt chủng Pol Pot từ những ngày đầu tiên.

Giải C được trao cho tác phẩm “Ký sự đường sắt Bắc Nam” (nhóm tác giả VietnamPlus)

Tại Việt Nam, đường sắt đã, đang và sẽ vẫn luôn đóng vai trò quan trọng, không chỉ với tư cách một loại hình vận tải có bề dày cả trăm năm lịch sử, mà còn là huyết mạch của nền kinh tế. Trải qua bao thăng trầm với những biến thiên của lịch sử, con tàu Việt Nam vẫn lầm lũi “đi suốt bốn mùa vui,” chuyên chở những giấc mơ cho biết bao thế hệ.

[Ký sự đường sắt: Chuyện ghi dọc đường hỏa xa Nam Bắc]

Phóng viên VietnamPlus đã thực hiện hành trình lãng mạn ấy, không chỉ để tái hiện phần nào lịch sử của ngành đường sắt, ghi nhận những chặng đường phát triển, mà còn khắc họa những chân dung, mảnh đời, số phận của những con người mà trong giấc mơ của họ không bao giờ thiếu đi những hồi còi giục giã, những người mà nhịp thở gắn liền với từng chuyển động của các toa tàu.

Tuyến bài đặc biệt về đường sắt Việt Nam theo lối “ký sự hỏa xa” là một trong số đó, được thực hiện ròng rã trong suốt nửa năm (trên năm chuyến tàu Bắc-Nam xuôi- ngược) với sự tham dự của các phóng viên viết, ảnh, quay phim, flycam…

Đại diện Báo Điện tử VietnamPlus nhận giải C với tác phẩm “Ký sự đường sắt Bắc Nam.” (Ảnh Minh Hiếu/Vietnam+)

Đặc biệt, toàn bộ phần các tuyến bài của VietnamPlus đã được truyền tải bằng hình thức mới mẻ và hấp dẫn khi kết hợp nội dung với nhiều hiệu ứng về đồ họa, hình ảnh, video, videographics…

Thời gian qua, VietnamPlus quyết định đầu tư vào những tuyến bài dài, công phu nhằm bắt kịp xu thế nổi bật của dòng báo chí chính thống trên thế giới, nhằm phục hưng giá trị của nội dung (content) khi mà người đọc dần cảm thấy chán ngán với những dòng tít “câu view.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục