Sau hơn 4 tháng thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang bước vào giai đoạn đàm phán cuối cùng với ứng cử viên cho vị trí “đối tác chiến lược”. Dự kiến quá trình này sẽ hoàn tất trong nửa cuối tháng 12/2015 và chậm nhất vào đầu tháng 1/2016.
Thông tin trên được ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, thông báo tại Hội nghị tổng kết 5 năm đổi mới doanh nghiệp của Bộ Giao thông vận tải vào chiều ngày 9/12.
Theo ông Minh, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược dựa trên yếu tố tìm kiếm đối tác thực sự có tiềm năng, đảm bảo đủ các điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp hoạch định kế hoạch kinh doanh và tối đa hóa lợi ích của hãng trong tương lai.
Chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông Minh cho biết, quá trình đàm phán giữa hai bên thường rất khó khăn do sự khác biệt trong các chính sách và quy định của hai nước. Do đó, cần phải chuẩn bị đầy đủ thông tin cần thiết, thậm chí, Vietnam Airlines đã phải bố trí một cơ quan thường trực để hỗ trợ và tư vấn thường xuyên trong suốt quá trình đàm phán.
“ Chưa từng có những quy định cụ thể trong việc cổ phần hóa một hãng hàng không tại Việt Nam nên không tránh khỏi những vướng mắc ban đầu. Chúng tôi đang tiếp tục đàm phán và dự kiến sẽ kết thúc quá trình này vào cuối tháng 12, đầu tháng 1/2016 để trình lên Bộ Giao thông Vận tải và Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiến tới ký kết hợp đồng đối tác chiến lược trong quý 1/2016”, ông Minh nói.
Liên quan tới đối tác đàm phán, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết đó là một nhà đầu tư nước ngoài nhưng chưa tiết lộ danh tính nhà đầu tư.
Trước đó, tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật và Vietnam Airlines, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines Phạm Viết Thanh đã xác nhận thông tin một nhà đầu tư đến từ Nhật Bản quan tâm và đã gửi thư mong muốn đàm phán ký hợp đồng để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines.
Cho tới thời điểm hiện nay, cái tên được nhắc tới nhiều nhất cho vị trí này là Hãng hàng không All Nippon Airways (ANA). ANA là một hãng hàng không lớn thứ hai của Nhật Bản. Năm 2014, hãng này đã thực hiện thành công thương vụ mua 49% cổ phần Hãng hàng không Myanmar Asian Wings Airways trị giá 25 triệu USD với chiến lược phát triển mạng lưới quốc tế thay vì chỉ kinh doanh tại thị trường nội địa.
Tại Việt Nam, ngoài đường bay thằng Thành phố Hồ Chí Minh-Narita (Tokyo) đã được khai thác từ năm 2001, mới đây, ANA đã mở thêm đường bay mới Hà Nội-Haneda (Tokyo), sử dụng máy bay B787 Dreamliner đời mới nhất. Động thái này cho thấy ANA rất chú trọng thị trường Việt Nam và có khả năng sẽ mở rộng hoạt động của hãng tại đây.
Tính đến hết tháng 9/2015, Vietnam Airlines đạt doanh thu 52.500 tỷ đồng, tăng 1.080 tỷ đồng so với kế hoạch. Trong đó, lãi trước thuế đạt trên 1.300 tỷ đồng cao hơn so với mức xấp xỉ 674 tỷ đồng của cả năm 2014, thời điểm trước khi cổ phần hóa.
Vietnam Airlines đã phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra thị trường (IPO) vào tháng 11/2014 với mức giá bình quân khoảng 22.300 đồng/cổ phiếu. Theo phương án cổ phần hóa Tổng công ty, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục bán tiếp 20% giá trị cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược tiềm năng với giá mua chưa được công bố.
Mặc dù, vẫn chưa có một đáp án chính xác về nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines.
Tuy nhiên, ANA hay bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào nếu trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines, chắc chắn đó phải là doanh nghiệp đủ mạnh để góp phần hỗ trợ Vietnam Airlines trên con đường phát triển, đạt mục tiêu trở thành hãng hàng không tiên tiến, thuộc nhóm hãng hàng không đứng đầu khu vực ASEAN về quy mô và chất lượng./.