Vietnam Airlines đưa giải pháp tổng thể để thoát âm vốn chủ sở hữu

Vietnam Airlines xác định mục tiêu tái cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 là để tạo ra bước đột phá về chiến lược để bảo đảm nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm phục hồi, từng bước giảm lỗ lũy kế.
Vietnam Airlines xây dựng đề án tái cơ cấu tổng thể 2021-2025 sau đại dịch trong đó có các giải pháp để có thể tăng thu nhập vốn nhằm thoát âm vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Vietnam Airlines xây dựng đề án tái cơ cấu tổng thể 2021-2025 sau đại dịch trong đó có các giải pháp để có thể tăng thu nhập vốn nhằm thoát âm vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trước diễn biến của đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới cũng như giá nhiên liệu liên tục lập đỉnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn ngành hàng không, Vietnam Airlines đã triển khai tái cơ cấu trên tất cả các lĩnh vực, với những nhóm giải pháp lớn về tái cơ cấu tài sản, đội máy bay, danh mục đầu tư, tái cơ cấu nguồn vốn, tổ chức và quản trị doanh nghiệp…

Vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Vietnam Airlines vào sáng 28/6, theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, thị trường hàng không nội địa đang phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Tổng thị trường khách nội địa năm tháng đầu năm 2022 tăng 3,6% so sánh cùng kỳ năm 2019. Đối với Vietnam Airlines, khách nội địa vượt 7,7% so 2019.

Tháng 6/2022, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo thị trường quốc tế châu Á-Thái Bình Dương sẽ hồi phục vào 2024. Thị trường quốc tế của Vietnam Airlines dự kiến cũng không nằm ngoài khả năng này.

Theo ông Hà, từ tháng 7/2022, Vietnam Airlines sẽ nâng số đường bay quốc tế lên 39 đường bay, bằng 60% so 2019. Vietnam Airlines kỳ vọng cuối năm 2023, có thể phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế tương đương năm 2019.

“Sự phục hồi của thị trường quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Vietnam Airines, khi các đường bay thường lệ quốc tế giai đoạn trước đại dịch mang tới 65% doanh thu của hãng giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng doanh thu, nâng cao kết quả sản xuất kinh doanh, giảm lỗ và tiến tới có lãi trở lại trong các năm tới,” ông Hà nhận định.

[Hàng không Việt bước vào giai đoạn chạy đà, bứt tốc sau COVID-19]

Tuy nhiên, vị Tổng giám đốc Vietnam Airlines thừa nhận giá nhiên liệu bay dự kiến năm 2022 được xây dựng 110,2 USD/thùng (trong khi hiện nay bình quân 138-140USD/thùng, gấp 2 lần so với 2021), rủi ro giá nhiên liệu năm 2022 được đánh giá là rất lớn, phức tạp do nhiều yếu tố không chắc chắn về kinh tế toàn cầu, cung cầu của thị trường năng lượng và các yếu tố địa chính trị thế giới, đặc biệt là tình hình cuộc xung đột Nga-Ukraine và các hệ lụy kèm theo.

Từ đó, Vietnam Airlines dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của giá nhiên liệu Jet A1 tăng mạnh dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng cao, tốc độ phục hồi thị trường quốc tế còn nhiều rủi ro, thua lỗ vẫn có thể ở mức cao.

Năm 2022, Vietnam Airlines đưa kế hoạch doanh thu công ty mẹ 45.252 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước; mức lỗ dự kiến khoảng 9.335 tỷ đồng (mức lỗ đã cải thiện giảm 2.498 tỷ đồng so với năm 2021).

Sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu

Đánh giá thị trường hàng không đã có sự phục hồi mạnh mẽ đặc biệt là nội địa nhưng di chứng của hơn 2 năm của COVID-19 rất nặng nề, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết năm 2021, Vietnam Airlines lỗ xấp xỉ 1 tỷ USD đã ảnh hưởng đến vốn chủ dòng tiền là cực lớn, nên việc khắc phục hậu quả này cần một thời gian khá dài.

Năm 2021, hãng đã rơi vào nguy cơ trạng thái âm vốn chủ ở hữu, nhưng với sự hỗ trợ của Chính phủ bằng việc tăng vốn 8.000 tỷ đồng đã giúp Vietnam Airlines vượt qua ngưỡng không bị âm vốn chủ sở hữu và duy trì sự hiện diện trên sàn chứng khoán. Vốn chủ sở hữu 2021 sau báo cáo hợp nhất của Vietnam Airlines là hơn 500 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, Vietnam Airlines xây dựng đề án tái cơ cấu tổng thể 2021-2025 sau đại dịch trong đó có các giải pháp để có thể tăng thu nhập vốn nhằm thoát âm vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ với tư cách sở hữu 86% vốn của Vietnam Airlines để thoát âm vốn.

Đưa ra con số dòng tiền được cải thiện nhanh và mạnh mẽ, ông Hiền cho hay, đến nay, thu bình quân ngày của Vietnam Airlines đạt 80% so với trước đại dịch dù thị trường quốc tế mới đạt ngưỡng 20% nhưng nhờ khả năng khai thác tận dụng thị trường đã duy trì khả năng thanh toán đảm bảo dòng tiền.

“Mặt khác, Vietnam Airlines đạt được thỏa thuận tích cực với các bên chủ nợ để giãn các khoản thanh toán. Năm 2022, dù còn nhiều yếu tố khó khăn nhưng dòng tiền được đảm bảo và hoạt động bình thường,” ông Hiền quả quyết.

Vietnam Airlines đưa giải pháp tổng thể để thoát âm vốn chủ sở hữu ảnh 1Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Vietnam Airlines đã thông qua nhiều nội dung quan trọng về kế hoạch sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tuy nhiên, vị Kế toán trưởng Vietnam Airlines cũng bày tỏ lo ngại giá nhiên liệu tăng cao, tỷ giá, lãi suất vẫn sẽ ảnh hưởng đến bảng cân đối kinh doanh.

[CEO Vietnam Airlines: Năm 2022 dự báo bay nội địa chỉ phục hồi 70-75%]

Trả lời về việc khách bay tăng nhanh nhưng vẫn lỗ, ông Hiền lý giải nguyên nhân trong tình trạng giá nhiên liệu tăng cao thì không có hãng bay nào kinh doanh có lãi. Doanh thu tăng do sản lượng tăng nhưng chi phí đi theo tăng đột biến là cơ cấu chi phí bất hợp lý nên lỗ không giảm được nhiều.

“Nếu giá nhiên liệu như kịch bản Vietnam Airlines đã xây dựng cho năm 2022 là 110 USD/thùng thì con số lỗ của hãng rất khả quan và giảm bớt rất nhiều thiệt hại,” ông Hiền nhấn mạnh.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết nếu từ giờ đến cuối năm không ảnh hưởng biến thể COVID-19 mới, dòng tiền của Vietnam Airlines sẽ được đảm bảo và tiếp tục kiên trì các giải pháp đàm phán cắt giảm, giãn hoãn các khoản nợ vay dài hạn hiện có, giãn hoãn trả nợ vay sang các năm sau; bán và cho thuê máy bay… tìm mọi giải pháp tăng doanh thu như khôi phục, mở các đường bay quốc tế thu hút khách du lịch, khách đầu tư.

Ngoài ra, theo ông Hòa, hãng cũng đẩy nhanh tái cơ cấu thoái vốn ngoài doanh nghiệp là giải pháp căn cơ để giải quyết âm vốn chủ sở hữu. Vietnam Airlines sẽ phát hành thêm cổ phần tăng vốn trong giai đoạn 2022-2023 và cân nhắc tiếp tục tăng vốn trong năm 2024-2025 trường hợp ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài. Hình thức phát hành cổ phiếu là chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.

Tổng công ty sẽ triển khai huy động nguồn vốn từ bên ngoài thông qua phát hành trái phiếu trong nước hoặc ra quốc tế trong 2 năm 2023-2024 theo hình thức phù hợp và khả thi (phát hành riêng lẻ hoặc ra công chúng), vay thương mại từ các tổ chức tín dụng trong nước, vay tín dụng xuất khẩu.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục