Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 3/7 tại thủ đô Vientiane, Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Lào mở rộng lần thứ tư đã diễn ra với chủ đề “Đẩy mạnh hợp tác tư pháp địa phương Việt Nam-Lào nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân vùng biên.”
Tới dự và chủ trì hội nghị có ông Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam và ông Sayxi Santivong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào.
Hội nghị cũng có sự tham dự của gần 100 cán bộ là lãnh đạo của một số đơn vị thuộc hai Bộ Tư pháp Việt Nam và Lào; lãnh đạo các Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án 18 tỉnh của Lào và 16 tỉnh của Việt Nam; đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao của Lào và các cơ quan thông tấn báo chí của hai nước.
Tại hội nghị, hai bên đã đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực của Bộ Tư pháp Việt Nam và Lào, các Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự hai nước trong việc triển khai các hoạt động hợp tác, phối hợp giải quyết nhiều nhiệm vụ công tác tư pháp ở địa phương, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ Học viện Tư pháp quốc gia Lào từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Lào nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ tư pháp của Lào.
Hội nghị cũng nhất trí đánh giá, kể từ sau Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Lào mở rộng lần thứ ba, công tác quản lý và đăng ký hộ tịch, giải quyết các vấn đề quốc tịch tại các tỉnh biên giới Việt Nam-Lào đã ngày càng được tăng cường và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; với sự chỉ đạo của hai Bộ Tư pháp, cấp ủy và chính quyền địa phương, các cơ quan tư pháp các tỉnh biên giới Việt Nam-Lào đã và đang tích cực phối hợp thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về di cư tự do và kết hôn không giá thú của người dân ở vùng biên giới hai nước.
Hai bên cũng đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện công tác thi hành án dân sự theo quy định của Hiệp định Tương trợ tư pháp giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ký ngày 6/7/1998.
Trong thời gian tới, hai bên thống nhất triển khai thực hiện các hoạt động sau: Bộ Tư pháp hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để tăng cường chỉ đạo các cơ quan tư pháp địa phương thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới ký ngày 8/7/2013 được gia hạn hiệu lực đến ngày 14/11/2019, nhằm giải quyết cơ bản vấn đề di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt-Lào trong thời gian gia hạn hiệu lực của thỏa thuận, phòng, chống, ngăn chặn tái di cư và di cư tự do mới;
Bộ Tư pháp hai nước phối hợp đề xuất lộ trình sửa đổi, bổ sung hiệp định để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, thực hiện hiệu quả hơn công tác tương trợ tư pháp về thi hành án dân sự giữa các cơ quan thi hành án dân sự tại 10 cặp tỉnh giáp biên.
Hai bên cũng nhất trí sẽ phối hợp với nhau tốt hơn trong các hoạt động hợp tác về tương trợ tư pháp đa phương và khu vực; các Sở Tư pháp tại 10 cặp tỉnh giáp biên, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải cơ sở để người dân hiểu được pháp luật của hai nước, giúp họ có cách hành xử đúng pháp luật.
Hai bên thống nhất, các Sở Tư pháp đã ký kết thỏa thuận hợp tác tăng cường tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động đã thỏa thuận; hai bộ cũng khuyến khích các tỉnh, thành phố khác của Lào và Việt Nam kết nghĩa, hỗ trợ, hợp tác với nhau cùng phát triển; nhất trí sẽ xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hợp tác hàng năm giữa hai bộ chú trọng tới tính hiệu quả, thiết thực của các hoạt động hợp tác, phù hợp với Thỏa thuận hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai Bộ giai đoạn 2016-2020 ký ngày 26/01/2015; Thống nhất, Bộ Tư pháp hai nước, các cơ sở đào tạo luật của hai bộ tăng cường hợp tác trong việc nâng cao năng lực cán bộ tư pháp của bộ và ngành Tư pháp Lào, đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả Dự án hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long và Bộ trưởng Tư pháp Lào Sayxi Santivong bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, những kết quả quan trọng đạt được tại hội nghị này sẽ tiếp tục tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống đặc biệt, toàn diện giữa hai ngành Tư pháp Lào và Việt Nam, góp phần thiết thực vào việc gìn giữ quan hệ chung giữa hai nước cũng như vào việc xây dựng khu vực Đông Nam Á, châu Á hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp hai nước cũng nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Lào mở rộng lần thứ năm tại Việt Nam vào thời gian thích hợp với hai bên trong năm 2020.
Ngay sau hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa các Sở Tư pháp của Việt Nam và Sở Tư pháp của Lào: Thỏa thuận hợp tác giữa Sở Tư pháp tỉnh Sơn La và Sở Tư pháp tỉnh Bokeo; Thỏa thuận hợp tác giữa Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương và Sở Tư pháp tỉnh Vientiane; Thỏa thuận hợp tác giữa Sở Tư pháp tỉnh Hải Phòng và Sở Tư pháp tỉnh Viêng Chăn; Biên bản hợp tác giữa Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum và Sở Tư pháp tỉnh Attapeu./.