Công ty cổ phần Hàng không Vietjet vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị được thuê khai thác, quản lý Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietjet Nguyễn Thanh Hà, hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã có kế hoạch và giao cho Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) lập Đề án thí điểm cho thuê Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc trong thời gian 30 năm.
Là một hãng hàng không có những thành công trong việc phát triển thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, góp phần phát triển thị trường hàng không, du lịch trong thời gian qua, sau khi nghiên cứu, đánh giá tiềm năng của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cùng với năng lực, kinh nghiệm của hãng, Vietjet đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho hãng được tham gia thực hiện Đề án thí điểm cho thuê Cảng hàng không Phú Quốc với hình thức Hợp đồng thuê khai thác, quản lý trong thời gian 30 năm.
Trong quá trình triển khai dự án, Vietjet cũng cam kết tuân thủ các chủ trương, chính sách của Nhà nước; quy định, thủ tục của Bộ Giao thông Vận tải về quản lý khai thác Cảng hàng không, sân bay; đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không; quản lý việc cung cấp đầy đủ dịch vụ đảm bảo chất lượng, công khai, minh bạch và bình đẳng tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm nhượng quyền Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc để lấy vốn xây dựng sân bay Long Thành.
Với hình thức nhượng quyền khai thác sân bay, nhà đầu tư sẽ vận hành khai thác công trình và trả lại Nhà nước sau một thời gian nhất định. Người sử dụng (trong đó có cả các hãng hàng không) sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn với giá cả hợp lý hơn. Nhà nước sẽ thu hồi được khoản kinh phí xác định có thể dùng để đầu tư một số công trình trọng điểm, công trình quan trọng đối với an ninh-quốc phòng, làm giảm áp lực cho ngân sách.
Bộ Giao thông Vận tải đã lựa chọn Cảng hàng không quốc tế để triển khai thí điểm hình thức nhượng quyền sân bay. Trước mắt, sẽ thí điểm nhượng quyền cho nhà đầu tư trong nước và việc lựa chọn nhà đầu tư tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo công bằng, minh bạch.
Sau khi nhượng quyền, Nhà nước vẫn nắm giữ quyền quản lý điều hành các hoạt động xuất nhập cảnh, quản lý đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, quản lý vùng trời, quản lý chất lượng giá cả khai thác dịch vụ, cung cấp dịch vụ điều hành bay.
Trên cơ sở chủ trương nhượng quyền khai thác được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam xác định lại giá trị tài sản, xây dựng phương án tài chính đảm bảo tính khả thi, xây dựng phương án khai thác.
Được biết, Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển là đơn vị đầu tiên bày tỏ mong muốn giành quyền khai thác sân bay Phú Quốc và nhiều khả năng phải cạnh tranh với một công ty nước ngoài.
Trước khi T&T gửi đơn hỏi mua, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng bày tỏ nguyện vọng nhượng quyền khai thác sân bay này./.
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc công suất 2,6 triệu hành khách/năm, có đường hạ cất cánh rộng 45m, dài 3.000m, với 8 vị trí đậu cho máy bay A320-A321 vào giờ cao điểm, có thể tiếp nhận được tàu bay thân rộng loại Boeing 747.
Năm 2014, cảng hàng không Phú Quốc đạt sản lượng gần 800.000 hành khách, tăng khoảng 100.000 khách so với năm 2013, trong đó khách nước ngoài chiếm khoảng 30%.