VietinBank đề nghị giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu

Năm 2020, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tối đa là 8,5%, uy nhiên, nếu nền kinh tế có sự phục hồi tốt hì ngân hàng sẽ thực hiện trình để xin tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng.
VietinBank đề nghị giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu ảnh 1Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) tiếp tục đề nghị để lại toàn bộ lợi nhuận còn lại hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn tự có.

Đó là nội dung được đề cập tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của VietinBank tổ chức ngày 23/5 tại Hà Nội.

Năm 2020, VietinBank dự kiến dư nợ tín dụng tăng trưởng 4%-8,5% (hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao hiện nay là 8,5%). Nguồn vốn huy động tăng trưởng phù hợp với tình hình sử dụng vốn, cân đối với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, dự kiến 5%-10%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới mức 2%. 

Ngân hàng không nêu mục tiêu lợi nhuận cụ thể, nhưng cho biết sẽ đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cải thiện hoạt động kinh doanh, tiếp tục bám sát diễn biến và tác động của dịch COVID-19 để tính toán và sẽ cập nhật kế hoạch lợi nhuận trên cơ sở phê duyệt của các cấp có thẩm quyền.

Năm 2020, VietinBank tiếp tục đề nghị để lại toàn bộ lợi nhuận còn lại hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn tự có, đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh. Phương án cụ thể về cổ tức thực hiện theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Năm 2020, VietinBank xác định nhiệm vụ đề ra tại Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, cải thiện hiệu quả sinh lời, tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh doanh, cơ cấu khách hàng, chú trọng quản lý chất lượng tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ xấu.

Bên cạnh đó, thực hiện phương án tăng vốn điều lệ, khai thác tối đa các biện pháp để tăng vốn tự có như lợi nhuận tích lũy nội bộ, chia cổ tức bằng cổ phiếu, đề xuất phát triển các kênh tăng vốn mới, phát hành trái phiếu thứ cấp, nâng cao hiệu quả đầu tư, góp vốn, kiểm soát tốt tốc độ tăng trưởng và cơ cấu tài sản có rủi ro. VietinBank sẽ triển khai và đáp ứng Basel II ngay khi được tăng vốn.

Đặc biệt, ngân hàng sẽ hoàn thiện chiến lược phát triển VietinBank giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch kinh doanh trung hạn 2021-2023. Tiếp tục cơ cấu lại danh mục tín dụng, tăng tỷ trọng phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và bán lẻ, đa dạng cơ cấu doanh thu.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn tiềm ẩn nhiều thách thức, tuy nhiên, toàn hệ thống VietinBank sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, bứt phá phát triển sau đại dịch COVID-19."

Cũng theo ông Thọ, VietinBank có kế hoạch tăng vốn tự có từ nguồn lợi nhuận tích lũy và việc này đang được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý để thực hiện. Trong bối cảnh đó, VietinBank tiếp tục định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2020 với tốc độ hợp lý, đảm bảo tuân thủ hạn mức tăng trưởng tín dụng theo điều hành của Ngân hàng Nhà nước, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng chính đáng của nền kinh tế.

Đại hội cũng đã miễn nhiệm và bầu bổ sung 3 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2019-2024.

Cụ thể, Đại hội đã miễn nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị VietinBank đối với ông Hiroshi Yamaguchi và ông Hideaki Takase theo đề nghị của Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ (MUFG Bank).

Đại hội cũng thông qua 3 ứng cử viên bầu vào Hội đồng quản trị gồm ông Masahiko Oki, hiện đang là Phó trưởng bộ phận kế hoạch ngân hàng MUFG kiêm Phó Tổng giám đốc VietinBank; ông Shiro Honjo đang là cán bộ điều hành, trưởng bộ phận kế hoạch ngân hàng thương mại toàn cầu của MUFG; bà Nguyễn Thị Bắc đang là Giám đốc khối quán trị rủi ro của Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn Indovina. Trong đó, bà Nguyễn Thị Bắc được bầu vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Trả lời các cổ đông về nợ xấu, Chủ tịch Lê Đức Thọ cho rằng tác động của COVID-19 còn có nhiều điểm khó để dự liệu trước do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa thực sự được kiểm soát. Ảnh hưởng từ các nước khác tác động rất lớn tới nền kinh tế mở như Việt Nam.

Ngân hàng đã triển khai những biện pháp hỗ trợ cần thiết đồng hành với khách hàng để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ cho khách hàng.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng của VietinBank bị ảnh hưởng do thu nhập giảm, ảnh hưởng tới các khoản vay tiêu dùng, sản xuất kinh doanh.

Lí giải về việc tỉ lệ nợ xấu quý 1 tăng lên 1,8%, Chủ tịch VietinBank chia sẻ một phần là do xử lý thu hồi khoản nợ bị tác động rất lớn, những khoản nợ xấu đang thực hiện thu hồi thì chưa thu hồi được theo kế hoạch. 

Có những khách hàng bị khó khăn không chỉ là dịch bệnh mà cả những vấn đề nội tại khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Do đó, có nhiều khách hàng phải cơ cấu lại nợ, có cả những trường hợp theo Thông tư 01 và 02, làm cho tỷ lệ nợ xấu tăng lên.

Chia sẻ thêm một số dữ liệu tài chính khác, ông Thọ cho biết CAR của ngân hàng tính theo Basel I là 10%, và theo Thông tư 41 (Basel II) là 8,6%, vẫn đạt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng trong quý 1, VietinBank đã mua lại 3.100 tỷ đồng từ VAMC, lượng trái phiếu VAMC còn sở hữu là trên 9.000 tỷ trong đó đã trích lập trên 50%.

Cũng theo ông Thọ, đến thời điểm này tín dụng VietinBank giảm khoảng 2%, nguyên nhân chủ yếu là tổng cầu tín dụng giảm. Nguồn vốn huy động tăng trưởng khá tốt. Ông Thọ cũng cho biết lợi nhuận theo kế hoạch đến hết quí 2 dự kiến khoảng 6.000 tỷ đồng và dự kiến đưa tỷ lệ nợ xấu về 1,5%.

Năm 2020, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tối đa là 8,5% bằng với mức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế Việt Nam có sự phục hồi tốt, tăng trưởng kinh tế khả quan (GDP tăng trưởng 5%) thì nhu cầu tín dụng toàn nền kinh tế có thể tăng tới 10%-12% thì ngân hàng sẽ thực hiện trình để xin tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng./.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank chia sẻ về cách khắc phục nợ xấu:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục