Việt-Hàn tăng cường hợp tác phát triển ngành điện, năng lượng tái tạo

Việt Nam-Hàn Quốc có nhiều tiềm năng cường hợp tác lâu dài trong các lĩnh vực công nghiệp năng lượng, năng lượng tái tạo và điện lưới thông minh.
Việt-Hàn tăng cường hợp tác phát triển ngành điện, năng lượng tái tạo ảnh 1 Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Việt Nam-Hàn Quốc có nhiều tiềm năng cường hợp tác lâu dài trong các lĩnh vực công nghiệp năng lượng, năng lượng tái tạo và điện lưới thông minh.

Đây là nhận định của ông Paik Un Gyu, Bộ trưởng Bộ Thương Mại-Công nghiệp-Năng lượng Hàn Quốc tại “Diễn đàn ngành điện lực và năng lượng tái tạo Việt Nam-Hàn Quốc” do Cơ quan xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 2/2.

Theo ông Paik Un Gyu, ngành năng lượng được xem là nền tảng của tất cả các ngành công nghiệp khác. Vì vậy, muốn phát triển kinh tế, bất kỳ quốc gia nào cũng phải đầu tư, phát triển năng lượng. Trong xu hướng chung hiện nay Hàn Quốc và Việt Nam đều đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững thông qua giảm phát thải nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Với vai trò là đối tác chiến lược của nhau, Hàn Quốc sẽ tích cực đầu tư vào các dự án sản xuất điện và phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Song song đó, Hàn Quốc cũng hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ kỹ thuật để phát triển nội lực ngành điện và năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn Điện lực quốc gia Hàn Quốc (KEPCO) chia sẻ một trong những thế mạnh của ngành năng lượng Hàn Quốc là triển khai hệ thống điện lưới thông minh (Smart Grid). Đây là hệ thống điện có nhiều ưu điểm vượt trội như cho phép tương tác giữa các hộ sử dụng điện với lưới điện, khả năng tự động hóa và điều khiển từ xa giúp quản lý sử dụng và tiết kiệm điện hiệu quả.

Ngoài ra, điện lưới thông minh cũng đảm bảo không mất điện diện rộng khi xảy ra sự cố, có thể tích hợp nguồn điện từ pin mặt trời, turbin gió hay máy phát điện giúp nâng cao tính ổn định nguồn cung và giảm hao tổn điện năng một cách tối đa.

Với những lợi thế công nghệ và kỹ thuật, phía Hàn Quốc mong muốn tìm hiểu về chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện cũng như năng lượng tái tạo của Việt Nam nhằm thiết lập các quan hệ hợp tác, đầu tư hiệu quả trong thời gian tới.

[Hàn Quốc đánh giá Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA]

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết Việt Nam với dân số hơn 100 triệu người và đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, có nhu cầu rất lớn về đầu tư phát triển nguồn điện cũng như hệ thống truyền tải, phân phối điện năng.

Theo quy hoạch phát triển nguồn điện đến năm 2020 và 2030, Việt Nam sẽ đẩy nhanh phát triển nguồn điện sản xuất từ năng lượng tái tạo và giảm tỷ trọng thủy điện. Về lưới điện, Việt Nam tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cấp mạng lưới truyền tải và phân phối, khắc phục tình trạng quá tải và ứng dụng công nghệ truyền tải điện thông minh.

Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo như ưu đãi về tín dụng đầu tư, thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các dự án năng lượng tái tạo, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ về năng lượng... Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư, tiếp nhận khoa học công nghệ để phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện trong nước.

Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết Hàn Quốc được xem là một trong những quốc gia tiên phong trong việc phát triển điện lưới thông minh và năng lượng tái tạo. Những năm qua, các doanh nghiệp điện lực hàng đầu Hàn Quốc đã tích cực tham gia thị trường điện Việt Nam dưới nhiều hình thức như đầu tư phát triển các nhà máy điện, sản xuất và cung cấp thiết bị điện, làm tổng thầu cho các dự án điện... Về năng lượng tái tạo, Hàn Quốc cũng đầu tư phát triển nhiều dự án lớn tại Việt Nam như nhà máy điện gió tại Bến Tre và Trà Vinh, dự án điện mặt trời ở Bình Thuận và Quảng Bình.

Theo ông Nguyễn Văn Vy, với mục tiêu nâng tỷ trọng điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo lên 32% vào năm 2030 và 43% vào năm 2050, Việt Nam hiện có khoảng 50 dự án điện gió, hơn 100 dự án điện mặt trời và nhiều dự án phát triển năng lượng sinh khối khác đang được nghiên cứu để phát triển. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, đầu tư vào các dự án dài hạn, góp phần tích cực vào sự thịnh vượng của cả hai quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục