Viết&Đọc Mùa Thu 2023: Ấn tượng của các nhà văn Việt Nam với Palestine

Trong Chuyên đề Viết&Đọc Mùa Thu 2023, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khắc họa khát vọng độc lập, tự do của nhân dân Palestine qua những câu chuyện, hình ảnh ông ghi lại được trên đất nước này.
Chuyên đề Viết&Đọc Mùa Thu 2023. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ra mắt Chuyên đề Viết&Đọc Mùa Thu 2023 tập hợp sáng tác thơ, văn, ghi chép, phê bình-tiểu luận và ảnh tư liệu của nhiều văn nghệ sỹ.

Nội dung nổi bật là những trải nghiệm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng đoàn công tác Hội Nhà văn Việt Nam trên đất nước Palestine.

Ngày 29/5/2023, các nhà văn, nhà thơ Việt Nam lên đường sang thăm Palestine theo lời mời của Nhà nước và Hội Nhà văn Palestine. Đây là chuyến đi đầu tiên của Hội nhà văn Việt Nam đến đất nước này. Việt Nam và Palestine vốn có mối quan hệ khăng khít được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Yasser Arafat xây đắp.

“Trong những ngày chúng tôi ở Palestine, hai chữ ‘Việt Nam’ vang lên ở mọi nơi chúng tôi đến. Ngay cả một người bán hoa quả trên hè phố khi biết chúng tôi là người Việt Nam đã xúc động đặt tay lên ngực và kêu lên ‘Việt Nam, Việt Nam’,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tặng sách cho Thủ tướng Palestine. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông đã ghi lại nhiều bức ảnh và câu chuyện xúc động về khát vọng độc lập, tự do của người dân Palestine.

Trong buổi gặp Thủ tướng Palestine, các nhà văn Việt Nam đã trao tặng Thủ tướng bản Truyện Kiều đặc biệt do nhiếp ảnh gia Dương Minh Long thiết kế. Đây là bản được nhà văn trẻ Nguyễn Bình dịch và được trao giải thưởng Tác giả Trẻ lần thứ Nhất của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021.

Trong số này, Chuyên đề Viết&Đọc giới thiệu tác phẩm văn xuôi của các nhà văn Đặng Chương Ngạn, Phạm Viết Tiến, Trần Văn Thước, Phạm Giai Quỳnh… cùng thơ của các tác giả Phạm Hồ Thu, Lê Quý Dương, Nguyễn Linh Khiếu, Phạm Ngọc Tiến, Trần Thắng…

[Thơ ca luôn đồng hành cùng công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc]

Chuyên đề Mùa Thu cũng dành phần lớn thời lượng để tôn vinh cặp vợ chồng nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường-Lâm Thị Mỹ Dạ thông qua ảnh chụp của nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, sách sưu tầm của nhà văn Yên Ba và tư liệu từ Bảo tàng Văn học.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ mất ngày 6/7/2023, chỉ một thời gian ngắn sau đó, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng tạ thế (ngày 9/9/2023). Hai nhà thơ được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. Họ đã để lại những tác phẩm giá trị cho nền văn học Việt Nam.

Ông Thiều bảo rằng những câu chuyện trên văn đàn cũng như các tác phẩm, tác giả góp mặt trong Chuyên đề lần này minh chứng cho lịch sử của sáng tạo nghệ thuật trên thế gian này giống như sự chảy của một dòng sông, không bao giờ ngưng nghỉ. Thế hệ nước này tiếp thế hệ nước trước đó để tạo ra vẻ đẹp huy hoàng của những dòng sông, cũng như thế hệ nghệ sỹ này tiếp thế hệ nghệ sỹ khác tạo nên lịch sử nghệ thuật của nhân loại.

“Nếu không có những thế hệ nghệ sỹ trước đó thì các nghệ sỹ của thế hệ tiếp theo sẽ không có nguồn lực để sáng tạo và khai phá. Nhưng nếu không có những nghệ sỹ của thế hệ tiếp theo thì nghệ thuật bắt đầu rơi vào bất động và đi tới hủy diệt. Việc các nghệ sỹ thế hệ tiếp theo chỉ sao chép nghệ thuật của các nghệ sỹ đi trước chính là sự ‘ngưng chảy” của con sông nghệ thuật. Và đấy là cái chết,” ông Thiều nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục