Vietcombank và Eximbank Thái Lan thúc đẩy thương mại và đầu tư

Vietcombank và Eximbank Thái Lan hướng tới gia tăng quy mô giao dịch tài trợ thương mại, đồng tài trợ dự án lên mức 250 triệu USD trong năm đầu tiên.
Vietcombank và Eximbank Thái Lan thúc đẩy thương mại và đầu tư ảnh 1Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank (bên trái) và ông Ts. Rak Vorrakitpokatorn, Tổng Giám đốc Eximbank Thái Lan (bên phải) ký kết thỏa thuận hợp tác trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. (Nguồn: TTXVN)

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan (Eximbank Thái Lan) đã ký kết thỏa thuận thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thái Lan và tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2022 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ 16-19/11/2022.

Kế thừa Biên bản ghi nhớ về hợp tác được hai ngân hàng ký cuối năm 2020, thỏa thuận mới nhằm cụ thể hóa các hoạt động trọng tâm trong thúc đẩy xúc tiến đầu tư và tài trợ thương mại song phương, tập trung vào các nghiệp vụ thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại đồng tài trợ dự án, cho vay khách hàng trên cơ sở bảo lãnh của mỗi bên.

[Chủ tịch nước gặp gỡ doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam-Thái Lan]

Phạm vi hợp tác không chỉ dừng lại tại thị trường Việt Nam, Thái Lan mà sẽ mở rộng sang các quốc gia khác trong khu vực. Hai bên hướng tới gia tăng quy mô giao dịch tài trợ thương mại, đồng tài trợ dự án lên mức 250 triệu USD trong năm đầu tiên và tiếp tục đạt mức tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo.

Tính đến 31/12/2021, Thái Lan có 645 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 13 tỷ USD tại Việt Nam, đứng thứ 8/140 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng thứ 2 trong số các quốc gia ASEAN có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài của Thái Lan vào Việt Nam chủ yếu chảy vào các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, hóa dầu, bất động sản công nghiệp…

Thỏa thuận hợp tác giữa Vietcombank và Eximbank Thái Lan được kỳ vọng sẽ góp phần thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài của Thái Lan vào Việt Nam, tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư song phương cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp của hai nước đẩy mạnh hợp tác kinh doanh.

Eximbank Thái Lan là ngân hàng chuyên doanh về xúc tiến thương mại và đầu tư thuộc sở hữu của Chính phủ Thái Lan, được quản lý trực tiếp bởi Bộ Tài chính Thái Lan, có mục tiêu hoạt động nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Thái Lan với các thị trường nước ngoài.

Trong khi đó, Vietcombank là ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam với thế mạnh về thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại và hệ thống các sản phẩm dịch vụ đa dạng và chuyên biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng là các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư Thái Lan.

Theo các chuyên gia thương mại, nhóm hàng chế biến, chế tạo là nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt giá trị cao nhất, chiếm tỷ trọng trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan.

Nhận định về kết quả hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua kim ngạch thương mại Việt Nam-Thái Lan có mức tăng trưởng tốt.

Quy mô thương mại giữa hai nước không ngừng được mở rộng, tăng gần gấp đôi từ mức 9,4 tỷ USD năm 2016 lên 17,9 tỷ USD năm 2021; tốc độ tăng trưởng trung bình đạt xấp xỉ 10%/năm.

Đặc biệt, tiếp tục đà tăng trưởng, trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-Thái Lan đạt 17,8 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng này, dự báo kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ sớm đạt được mục tiêu 25 tỷ USD trong thời gian tới.

Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhóm này gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; kim loại thường khác và sản phẩm; hàng dệt may... là các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhóm hàng này. Ngoài ra, vật liệu xây dựng, nhất là sắt thép và sản phẩm từ sắt thép cũng là sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.

Trong nhóm hàng nông thủy sản là nhóm hàng có cơ cấu khá tương đồng với cơ cấu hàng của Thái Lan, Việt Nam vẫn có thế mạnh xuất khẩu như càphê, hạt điều, một số loại rau quả công nghệ cao, rau hữu cơ, thủy sản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục