Ngày 23/4, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank -mã chứng khoán VCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông và đưa ra các vấn đề như tăng vốn, chia cổ tức, lợi nhuận…
Tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng tiếp tục trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ bao gồm 2 cấu phần.
Thứ nhất, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 1,024 tỷ cổ phiếu (tương đương 27,6%) để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019. Sau phát hành, vốn điều lệ của VCB tăng thêm 10.236 tỷ đồng, qua đó nâng mức vốn lên hơn 47.325 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021.
[Chủ tịch Vietcombank: Sẽ đồng hành cùng khách hàng vượt qua đại dịch]
Cấu phần thứ hai là phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank sau khi phát hành cổ phiếu chia cổ tức. Khối lượng phát hành là 307,61 triệu cổ phiếu (khối lượng chào bán có thể điều chỉnh tùy theo vốn điều lệ tại thời điểm phát hành); trong đó phát hành cho đối tác chiến lược Ngân hàng Mizuho để giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15% (dự kiến hơn 46,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,92% tổng số cổ phiếu sau phát hành) trên cơ sở quyết định đầu tư của Ngân hàng Mizuho và phát hành cho các nhà đầu tư khác có thể gồm cả Mizuho dự kiến gần 261,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,19% tổng số cổ phiếu sau phát hành.
Sau khi hoàn tất phát hành riêng lẻ, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm 3.076 tỷ đồng, qua đó nâng mức vốn lên hơn 50.401 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2021 và tiếp tục trong năm 2022 nếu chưa hoàn thành. Giá phát hành sẽ không thấp hơn bình quân giá đóng cửa của 10 phiên gần nhất trước ngày nhà đầu tư thông báo mua. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Năm 2021, Vietcombank lên kế hoạch tăng tổng tài sản 5%; dư nợ tín dụng tăng 10,5% và có điều chỉnh theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước: huy động vốn phù hợp nhu cầu sử dụng vốn, dự kiến là 7%; lợi nhuận trước thuế ngân hàng hợp nhất tăng 11% trong đó riêng lợi nhuận ngân hàng riêng lẻ là 25.000 tỷ đồng - có điều chỉnh theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ý kiến của Bộ Tài chính. Tỷ lệ nợ xấu năm nay vẫn sẽ duy trì mức thấp dưới 1%; Vietcombank cũng dự kiên trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 8%.
Tại đại hội, cổ đông cũng xem xét miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023.
Theo đó, Vietcombank đệ trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm ông Eiji Sasaki, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc đồng thời bầu ông Shojiro Mizoguchi (quốc tịch Nhật Bản) giữ vai trò thành viên Hội đồng quản trị.
Đến cuối năm 2020, Vietcombank đạt tổng tài sản hơn 1,32 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2019; dư nợ tín dụng hơn 845.000 tỷ đồng, tăng 14%: huy động vốn đạt hơn 1,05 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước; tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,62%, thấp nhất toàn ngành; tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 380%, cao nhất toàn ngành. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 23.000 tỷ đồng, tương đương năm 2019 và đạt 116,3% kế hoạch cổ đông giao. Quy mô vốn hóa đến cuối năm 2020 đạt 15,7 tỷ USD và đến ngày 22/4 đạt hơn 16,4 tỷ USD - dẫn đầu toàn ngành. |