Viết từ Trường Sa: Hoa vẫn nở giữa nắng gió Biển Đông

Những người dù đến Trường Sa lần đầu hay nhiều lần đều sẽ cảm thấy vô cùng thiệt thòi nếu chưa nhìn thấy hoa bàng vuông.
Hoa bàng vuông. (Ảnh: Ngoc Thu/Vietnam+)

Theo đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Trung tướng Nguyễn Phương Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam dẫn đầu, chúng tôi có mặt tại quần đảo Trường Sa trong những ngày đầu tháng Tư. Chuyến công tác đưa chúng tôi qua 11 cụm đảo thuộc Nam Trường Sa.

Hoa bàng vuông trên đảo Trường Sa lớn

Trải qua hơn một ngày, một đêm lênh đênh trên biển, chúng tôi đến Trường Sa Lớn vào buổi sáng. Mặc dù mới sáng sớm nhưng nắng đã rất chói chang. Rất khó tả được cảm giác của chúng tôi lúc đó. Sau một đêm mịt mùng giữa biển sóng mênh mông, Trường Sa Lớn hiện ra xa xa trên dải nước xanh thẫm.

Rất nhiều người trong đoàn chúng tôi đã lặng đi khi nghe tiếng còi tàu hú dài báo hiệu tàu vào bến và nhìn thấy quốc kỳ đỏ thắm tung bay trên nền trời xanh thẳm... Cũng như không thể ngăn nổi ngấn lệ khi đến viếng mộ những liệt sỹ đã nằm xuống nơi đảo xa xôi khi giữ gìn chủ quyền biển đảo của đất nước Việt Nam thân yêu. 

Viếng mộ liệt sĩ tại đảo Trường Sa Lớn (Ảnh: Ngọc Thu/Vietnam+)

Đảo Trường Sa (hay thường gọi Trường Sa Lớn) được mệnh danh là Thủ đô của huyện đảo Trường Sa. Nằm cách Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 254 hải lý, Trường Sa Lớn là đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa. Đảo có hình gần như một tam giác vuông, có độ cao khoảng gần 5m so với mực nước biển. Đảo có nguồn nước lợ phù hợp cho sinh hoạt, trồng trọt. Nằm ở vĩ độ thấp, gần đường xích đạo nên số ngày nắng trên đảo lên tới khoảng 300 ngày trong năm. Những ngày mùa khô (kéo dài từ tháng Hai đến tháng Năm), khí hậu vô cùng gắt nhưng lại là mùa đánh bắt chính của ngư dân.

Trái bàng vuông- một "đặc sản" của Trường Sa. Ảnh: Ngọc Thu/Vietnam+

Cây cối trên đảo khá đa dạng nhưng chủ yếu và đặc trưng nhất phải kể đến cây bàng vuông. Những người dù đến Trường Sa lần đầu hay nhiều lần đều sẽ cảm thấy vô cùng thiệt thòi nếu chưa nhìn thấy hoa bàng vuông. Hoa bàng vuông khi chưa nở búp to cỡ nụ hoa sen nhỏ. Hoa chỉ nở vào buổi tối và khi nở bung ra thành những chùm tia màu hồng trắng cực kỳ đẹp mắt. Hương hoa bàng thơm dịu như hoa huệ man mát lan tỏa trong gió biển đêm tạo cảm giác vô cùng sảng khoái. Tôi cứ tự hỏi, không hiểu sao ở nơi nắng gió khắc nghiệt này lại có một loài hoa đẹp đến thế?

Những cư dân của đảo Trường Sa

Trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa đặt tại đảo Trường Sa Lớn. Trên đảo có các công trình như nhà đèn, nhà dân, chùa, trạm khí tượng, trường học, bệnh xá. Nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, đảo là nơi thuận tiện để ngư dân đánh bắt xa bờ trú ngụ khi bất ngờ gặp giông bão hay đau ốm, là nơi tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm, rau xanh.

Theo chân bác sĩ quân y Thái Ngọc Bình chúng tôi đến thăm gia đình có cư dân nhỏ tuổi nhất trên đảo. Chị Phương Ái (Quê Khánh Hòa) cho biết: con gái út của chị sinh mổ ngày 1/12/2015 ngay tại Bệnh xá trên đảo, nặng 3,3kg. Ánh mắt chị ngời lên sự âu yếm khi nhìn cô con gái 4 tháng tuổi bụ bẫm trắng trẻo. Chị Ái cho biết: chị sinh con thứ 3 nên cũng có nhiều nguy cơ. Trong quá trình mang thai và sinh hạ cháu an toàn, các cán bộ, bác sỹ tại Bệnh xá đảo Trường Sa đã thăm khám và hỗ trợ cho gia đình chị vô cùng tận tình. Cháu bé được đặt tên là Thái Bình Hải Thùy được chăm sóc rất chu đáo sau sinh.

Trung tướng Nguyễn Phương Nam thăm bé Thái Bình Hải Thùy - cư dân đầu tiên được sinh ra tại Trường Sa Lớn (Ảnh: Ngọc Thu/Vietnam+)

Bệnh xá trưởng, bác sỹ Thái Ngọc Bình thường xuyên thăm khám cho cháu. Sinh con tại đảo xa, không có cha mẹ gia đình thân thích nhưng chị có được sự đùm bọc, yêu thương của những người láng giềng sinh sống trên đảo cũng như cán bộ chiến sỹ đang làm việc, công tác trên đảo Trường Sa.

Chị Phương Ái cho biết: mọi người ở đây coi nhau như ruột thịt, có gì cũng chia sẻ, hỗ trợ nhau. Các cháu bé sinh sống trên đảo được học tại trường tiểu học. Không biết có phải ông Trời thương những người dân đang bám biển giữ làng hay không mà các cháu bé trên đảo đều khỏe mạnh. Có cháu khi ở trong đất liền bị suy dinh dưỡng nặng vậy mà ra đảo một thời gian ngày càng khỏe mạnh.

Chị Phương Ái và bé Thái Bình Hải Thùy  - cư dân đầu tiên được sinh ra tại Trường Sa Lớn (Ảnh: Ngọc Thu/Vietnam+)

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Thành Hưng và vợ là chị Lê Thị Trúc Hà (quê quán Khánh Hòa), chúng tôi cảm nhận được sự ấm cúng của gia đình có hai cô con gái này. Bé gái Nguyễn Hoàng Liên Quân líu lo hát luôn miệng. Cô bé trông thật xinh. Tôi cứ ngắm hai mẹ con chị Hà và bé Quân không chán mắt và tự hỏi sao giữa cái nắng, cái gió đến rát mặt nơi đây mà họ lại có được gương mặt rạng ngời đến như vậy.

Dường như những vất vả của đời sống thường nhật không tồn tại trong ngôi nhà này. Tiếng hát của cháu bé khiến tôi nhớ đến bài hát "Tiếng chim sẻ đồng trên đảo Trường Sa." Những người chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ngoài đảo về thăm nhà, khi trở lại đảo đã mang theo những chú chím sẻ đồng để nuôi.

Bé Nguyễn Hoàng Liên Quân (Ảnh: Ngọc Thu/Vietnam+)

Những cư dân như chị Hà, cháu Quân, cháu Thùy đang khơi dậy nguồn sinh lực sống bất tận cho chốn đảo xa của Tổ Quốc. Càng trong khô cằn, càng trong khốn khó, gian lao, sức sống lại càng bật lên mãnh liệt như những cây bàng vuông vẫn đơm hoa thơm bất chấp bão gió Biển Đông./.

Trường Sa Lớn nhìn từ biển (Ảnh: Tiến Đạt/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục