Việt Nam-Nga: Để tiếng Việt trở thành cầu nối quan hệ hai nước

Đại sứ Đặng Minh Khôi khẳng định “Ngày hội tiếng Việt” sẽ được tổ chức hằng năm để tiếng Việt thực sự trở thành cầu nối thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Việt Nam-Nga: Để tiếng Việt trở thành cầu nối quan hệ hai nước ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

Ngày 21/5, tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội-Moskva (Incentra) ở thủ đô nước Nga, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức "Ngày hội tiếng Việt" nhằm thúc đẩy học tập và nghiên cứu tiếng Việt tại Liên bang Nga, tăng cường sự hiểu biết, giao lưu, hợp tác giữa nhân dân hai nước, thúc đẩy các hoạt động văn hóa, giáo dục giữa hai nước và trong cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Đặng Minh Khôi cho biết phong trào học tiếng Việt tại Liên bang Nga hết sức sôi động, với nhiều cơ sở đào tạo có đội ngũ giảng viên rất giỏi và rất nhiều sinh viên đam mê học tập tiếng Việt.

Bên cạnh đó, các thế hệ thứ hai và thứ ba con em cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga cũng có nhu cầu học tập tiếng Việt. Cùng với hơn 100 nhà Việt Nam học tại Liên bang Nga, đây chính là những nhịp cầu hữu nghị tạo điều kiện để hai nước củng cố mối quan hệ hết sức thắm thiết có từ thời Liên Xô cho tới nay.

Đại sứ Đặng Minh Khôi cũng khẳng định “Ngày hội tiếng Việt” sẽ được tổ chức hằng năm để tiếng Việt thực sự trở thành cầu nối thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ giữa hai nước.

Phần quan trọng nhất của “Ngày hội tiếng Việt” tại Liên bang Nga là cuộc tọa đàm “Tiếng Việt trong giao lưu, hợp tác Việt-Nga” kết nối nhiều đầu cầu cả ở Liên bang Nga và Việt Nam.

[Sức trẻ của thanh niên Việt tại Nga qua cuộc thi Giai điệu thanh niên]

Ban tổ chức đã nhận được tổng cộng 19 báo cáo và 12 báo cáo đã được trình bày tại cuộc tọa đàm, đề cập đến nhiều mặt công cuộc giảng dạy tiếng Việt tại Liên bang Nga như: lịch sử xây dựng và phát triển ngành tiếng Việt tại Liên bang Nga, công tác hỗ trợ dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga, hoạt động giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên Nga tại Việt Nam, ngành Việt Nam học tại Liên bang Nga, kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên Nga, vấn đề thu hút sinh viên học tiếng Việt tại trường đại học Nga...

Các báo cáo đã nêu bật những ưu điểm và những vấn đề còn tồn tại trong quá trình dạy và học tiếng Việt của sinh viên Nga cũng như con em cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga.

Việt Nam-Nga: Để tiếng Việt trở thành cầu nối quan hệ hai nước ảnh 2Tọa đàm "Tiếng Việt trong giao lưu, hợp tác Việt Nam" trong "Ngày hội tiếng Việt." (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

“Ngày Hội tiếng Việt” cũng trưng bày các bức ảnh giới thiệu đất nước và con người Việt Nam, giới thiệu sách giáo khoa và giáo trình giảng dạy tiếng Việt mà Phu nhân Chủ tịch nước Việt Nam đã mang sang Liên bang Nga trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tháng 11/2021.

Ngoài ra, tại sự kiện còn diễn ra lễ trao giải Báo tường tiếng Việt. Ban tổ chức đã nhận được 20 tờ Báo tường của 14 nhóm sinh viên Nga và con em cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga, với cách trình bày phong phú, nội dung đa dạng thể hiện tình cảm đối với đất nước và con người Việt Nam.

Kết quả, Ban tổ chức đã trao hai giải Nhất, bốn giải Nhì và sáu giải Ba. Giải Nhất báo tường dành cho các sinh viên Nga thuộc về tác phẩm “Bản sắc văn hóa Việt Nam” của Đại học tổng hợp Quốc gia St. Petersburg, trong khi giải Nhất báo tường dành cho con em cộng đồng người Việt Nam thuộc về tác phẩm “Hồn Việt” của con em cộng đồng tại thành phố Ufa.

Phần trình diễn thư pháp cũng thu hút được đông đảo giáo viên và các bạn sinh viên Nga, háo hức tìm hiểu ý nghĩa, hàm ý của các ngôn từ cũng như phong cách văn hóa Việt này.

Việt Nam-Nga: Để tiếng Việt trở thành cầu nối quan hệ hai nước ảnh 3Sinh viên Nga tìm hiểu các giáo trình giảng dạy tiếng Việt. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

“Ngày hội tiếng Việt” kết thúc thành công trong lời ca, tiếng hát đặc sắc của các ca sỹ cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga cũng như các lưu học sinh đang học tập tại Liên bang Nga.

Việc khuyến khích giảng dạy tiếng Nga tại Việt Nam cũng như giảng dạy tiếng Việt tại Liên bang Nga đã được đề cập trong Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin ngày 30/11/2021 tại Moskva.

Bên cạnh đó, việc giữ gìn và giảng dạy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga cũng là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự hỗ trợ có tính hệ thống thường xuyên và lâu dài từ các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng và các hội đoàn người Việt Nam tại Liên bang Nga./.

Việt Nam-Nga: Để tiếng Việt trở thành cầu nối quan hệ hai nước ảnh 4Trao giải Nhì báo tường tiếng Việt. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)
Việt Nam-Nga: Để tiếng Việt trở thành cầu nối quan hệ hai nước ảnh 5Tiết mục văn nghệ tại "Ngày hội tiếng Việt." (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục