Việt Nam-Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác về KHCN và đổi mới sáng tạo

Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác và tin rằng cùng với sự hỗ trợ giữa hai bên sẽ đưa Việt Nam trở thành một trung tâm xuất khẩu trong khu vực ASEAN.
Việt Nam-Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác về KHCN và đổi mới sáng tạo ảnh 1Ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch Kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 23/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã làm việc với Đoàn Doanh nghiệp cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC) do ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam từ ngày 21-23/3/2023, nhằm tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần mang lại các lợi ích thiết thực cho cộng đồng khoa học, doanh nghiệp và người dân hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ.

Chia sẻ về tiềm lực, thành tựu nổi bật của ngành Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được Đảng, Chính phủ xác định như một trong các đột phá chiến lược, là động lực thúc đẩy tốc độ, chất lượng tăng trưởng, đưa Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Hành lang pháp lý về khoa học và công nghệ ngày càng hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Trong tháng Năm và tháng Sáu năm 2022, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã thông qua Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

[Việt Nam-Hoa Kỳ thúc đẩy hợp tác về chuyển đổi số, chuỗi cung ứng]

Các văn bản này sẽ mở ra hành lang chính sách và pháp lý ngày càng thuận lợi để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ ở Việt Nam; khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; khai thác, ứng dụng, bảo vệ hiệu quả các tài sản trí tuệ; góp phần lành mạnh hóa môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo việc tuân thủ các cam kết quốc tế theo các Hiệp định thương mại và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Hiện nay, khoảng cách trong lĩnh vực khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực được rút ngắn đáng kể, khi xếp hạng năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu, ở một số lĩnh vực khoa học có thế mạnh, Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc.

Hợp tác và hội nhập quốc tế là một trong các giải pháp quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng nâng cao tiềm lực, trình độ khoa học và công nghệ. Các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ song phương, đa phương luôn được chú trọng thúc đẩy, trong đó có hợp tác với Hoa Kỳ.

Kể từ Hiệp định khung về hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam-Hoa Kỳ (năm 2000) cho tới nay, hợp tác về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo Việt Nam-Hoa Kỳ được triển khai trên nhiều lĩnh vực trong khuôn khổ song phương giữa hai nước cũng như trong các khuôn khổ đa phương Hoa Kỳ-ASEAN.

Đánh giá cao hoạt động, kết quả trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đạt được, ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cam kết tiếp tục ủng hộ, đồng hành cùng Việt Nam thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ song phương giữa hai nước cũng như trong các khuôn khổ đa phương Hoa Kỳ-ASEAN.

Đại diện các thành viên trong Đoàn công tác đã chia sẻ các vấn đề liên quan đến khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực, y tế, giao thông vận tải, công nghệ thông tin... Đặc biệt, các thành viên của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cho rằng, để đáp ứng việc đẩy nhanh quá trình xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam ra thế giới, cần phát triển quan hệ đối tác sâu sắc hơn nữa với các phòng thí nghiệm của Chính phủ Việt Nam như QUACERT, QUATEST 1, 2, 3... mở rộng năng lực thử nghiệm và chứng nhận của Việt Nam.

Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác và tin rằng, cùng với sự hỗ trợ giữa hai bên, các phòng thí nghiệm quốc gia có thể phục vụ thị trường toàn cầu và từ đó đưa Việt Nam trở thành một trung tâm xuất khẩu trong khu vực ASEAN.

Đoàn công tác mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ trong các lĩnh vực có chung lợi ích và thế mạnh.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục