Sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21/8/1973-21/8/2018), Việt Nam và Canada đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trên nhiều lĩnh vực.
Không những thế, kể từ khi nâng cấp lên quan hệ Đối tác toàn diện đã mở ra một chương mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, theo hướng hiệu quả và thực chất hơn.
Do vậy, việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và chuyến thăm Canada từ ngày 8-10/6 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được kỳ vọng sẽ tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác và đưa quan hệ Việt Nam-Canada ngày càng phát triển theo chiều sâu.
Thị trường tiềm năng
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam đang giữ vị trí thứ 5 châu Á về kim ngạch xuất khẩu sang Canada, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng trung bình từ 20-25% mỗi năm và đạt gần 6 tỷ USD vào năm 2017.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Canada vẫn là điện thoại, máy in các loại, cáp điện, thiết bị viễn thông; đồ gỗ, dệt may, giày dép, thủy hải sản, cà phê, hạt điều, phương tiện vận tải và phụ tùng, đồ chơi, dụng cụ thể thao, cao su các loại, sản phẩm nhựa, rau củ, quả, chế biến...
Theo bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada, mặc dù vậy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa mặn mà xuất khẩu sang thị trường này, trong khi đây là mảnh đất có nhiều tiềm năng.
Hiện nguồn hàng tiêu dùng của Canada dựa vào nguồn nhập khẩu là chủ yếu; trong đó, 50% nhập từ Hoa Kỳ, còn lại từ các khu vực khác như khu vực Mỹ Latin và châu Á. Tuy nhiên, nhập khẩu hàng từ Việt Nam chỉ chiếm hơn 1% trong tổng nhu cầu nhập khẩu của Canada.
Nếu xét quy mô thị trường, Canada chỉ bằng 1/10 quy mô thị trường Hoa Kỳ, nhưng giá trị nhập khẩu trên đầu người của Canada lại gấp đôi Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, thị trường này chủ yếu là dân nhập cư với lượng người gốc châu Á khá lớn; trong đó, cộng đồng người Việt Nam có khoảng 250.000 người với nhu cầu lương thực thực phẩm rất cao. Đây là đặc điểm lợi thế có thể khai thác cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Ngoài ra, chính phủ Canada đang có nhu cầu đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
Chính vì vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia mà các doanh nghiệp Canada quan tâm muốn đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và cả đầu tư.
Ngược lại, Canada là nước xuất khẩu sang Việt Nam nhiều mặt hàng từ nông hải sản, gỗ mềm, dược phẩm, rượu đến dịch vụ hàng hải, công nghệ cao, công nghệ sạch…
Đáng lưu ý, nước này cũng đứng thứ 13 trong tổng số 112 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 161 dự án, tổng trị giá 5,2 tỷ USD.
Hơn nữa, kể từ hai thập kỷ trở lại đây, Canada luôn trong nhóm những nước hàng đầu về viện trợ phát triển cho Việt Nam.
Đặc biệt, Việt Nam luôn là đối tác ưu tiên tại châu Á của Canada trong ba chính sách quan trọng. Đó là, Kế hoạch hành động thị trường toàn cầu, Chiến lược giáo dục quốc tế và Chính sách viện trợ phát triển.
Mặt khác, hai bên cũng chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong các vấn đề quốc tế, hợp tác chặt chẽ tại các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Quốc tế của các quốc gia nói tiếng Pháp (Francophonie).
Tuy nhiên, kết quả hợp tác giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, một phần do chưa hiểu sâu về thị trường và các chính sách đầu tư của nhau. Vì vậy, mục tiêu đặt ra là hai bên cần đẩy mạnh khai thác tiềm năng, mở rộng thương mại và hợp tác song phương để đạt được sự phát triển bền vững.
[Cựu Đại sứ Canada tại Việt Nam: Quan hệ hai nước phát triển vượt bậc]
Tận dụng cơ hội
Nhằm đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Canada, mới đây Thương vụ Việt Nam tại Canada đã làm việc với Tổ chức Xúc tiến thương mại với các quốc gia đang phát triển (TFO) của Canada để thực hiện một vài dự án hỗ trợ đưa hàng Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thị trường nước này.
Bà Đỗ Thị Thu Hương cho biết, khi tham gia chương trình này doanh nghiệp Việt Nam sang tham dự các hội chợ tại Canada với tư cách người tham quan. Sau đó, sẽ cùng Tổ chức TFO mời các nhà nhập khẩu, kinh doanh trong cùng lĩnh vực của nhóm đến gặp gỡ, làm việc.
Đặc biệt, Tổ chức TFO có mô hình cho các doanh nghiệp cùng ngành có thể chia sẻ, gặp gỡ nhau trước đó thông qua mạng internet.
Nhìn nhận về thị trường này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự năng động của Canada trong quá trình hợp tác với các nước ASEAN song song với khuôn khổ hoạt động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
"Hiện nay, khi có những biểu hiện mới của chủ nghĩa bảo hộ, sự tích cực của những quốc gia có tầm ảnh hưởng tại khu vực như Canada có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quá trình hội nhập và toàn cầu hóa,” Bộ trưởng khẳng định.
Cùng đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ quan điểm rằng, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng như khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà hai nước có thể tham gia sẽ tiếp tục tạo động lực cho toàn cầu hóa phát triển.
Ngoài ra, các mối quan hệ hợp tác hiện hữu trong RCEP cũng đóng góp vào sự tăng trưởng của kinh tế thương mại khu vực cũng như toàn cầu. “Bên cạnh RCEP cũng như các khuôn khổ hợp tác khác trong khu vực khác, Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc chia sẻ mối quan tâm của các nước ASEAN trong việc nghiên cứu và tiến tới một Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Canada,” Bộ trưởng cho hay.
Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Canada, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo Thương vụ và các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, mở rộng thị trường, tập trung khai thác lợi thế xuất khẩu của Việt Nam.
Không những thế, Bộ Công Thương đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng cơ hội đó không tự thân biến thành lợi ích. Do vậy, bên cạnh những chiến lược dài hạn, các doanh nghiệp cần tận dụng những cam kết, ưu đãi từ các hiệp định đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này./.