Nhận lời mời của Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Campuchia, Đoàn đại biểu Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam sang thăm và làm việc tại Vương quốc Campuchia từ ngày 1-6/4.
Trong buổi hội đàm chính thức diễn ra tại trụ sở Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Campuchia ở thủ đô Phnom Penh sáng 2/4, Bộ trưởng Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Campuchia Him Chhem hoan nghênh chuyến thăm chính thức của Đoàn đại biểu Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam.
Ông khẳng định Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng hữu nghị truyền thống, cùng chung sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và lật đổ chế độ Pol Pot, các thế hệ tương lai cần ghi nhớ điều này và cùng giữ gìn tình đoàn kết.
Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng đã thông báo những nét chính về hoạt động tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua. Theo đó, Chính phủ Việt Nam hỗ trợ các tôn giáo tổ chức các sự kiện tôn giáo, thông qua đối ngoại tôn giáo để thúc đẩy đối ngoại nhân dân, đối ngoại văn hóa.
Các tôn giáo ở Việt Nam ngày càng đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện ở Việt Nam có 16 tôn giáo hoạt động trong 43 tổ chức, với 24 triệu tín đồ (chiếm gần 1/3 tổng dân số), gần 30.000 cơ sở thờ tự, 14 cơ sở đào tạo tôn giáo từ cấp đại học trở lên.
Ông Vũ Chiến Thắng khẳng định Việt Nam là một đất nước đa tôn giáo nhưng không có xung đột lẫn nhau, các tôn giáo đồng hành cùng đất nước, dân tộc trong quá trình hội nhập của đất nước. Chính phủ Việt Nam luôn hỗ trợ, tạo vị thế cho các tôn giáo ở Việt Nam.
Tháng 9/2018, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã sang thăm Tòa thánh Vatican, làm việc với Giáo hoàng Francis, hai bên đã đề cao tinh thần đối thoại giữa tôn giáo với nhà nước. Việt Nam và Vatican đã nhất trí sẽ nâng cấp quan hệ ngoại giao từ đặc phái viên không thường trú lên đặc phái viên thường trú trong thời gian tới.
Liên quan tới hoạt động của Phật giáo, ông Vũ Chiến Thắng cho biết Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ ba đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak, sau hai lần đăng cai tổ chức rất thành công vào năm 2008 và năm 2014. Sự kiện sẽ diễn ra vào tháng Năm tới tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, tỉnh Hà Nam. Phía Việt Nam đã mời đại diện Campuchia tham dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak lần thứ ba.
Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng cũng mong muốn Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Campuchia tạo điều kiện để các đồng bào Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia theo Phật giáo và đạo Cao Đài được tham gia các hoạt động tín ngưỡng.
[Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan của Quốc hội Việt Nam-Campuchia]
Bộ trưởng Him Chhem cảm ơn các ý kiến của phía Việt Nam trong cuộc hội đàm, đặc biệt là các đề xuất hợp tác. Ông cho rằng đất nước Campuchia được phát triển như ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam. Người dân Campuchia cảm ơn quân tình nguyện, chính phủ và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ, giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng.
Theo Bộ trưởng Him Chhem, tại Campuchia hiện nay có hai trường đào tạo về Phật học, trường Đại học Phật giáo có năm khoa giảng dạy. Ngoài Đại học Phật giáo ở thủ đô Phnom Penh, còn có chi nhánh ở các tỉnh Kampong Chhnang, Battambang và Kampong Cham.
Campuchia có hơn 5.000 ngôi chùa, với 700.000 Phật tử. Ở Campuchia có ba tôn giáo chính là đạo Phật, đạo Hồi, đạo Thiên chúa và chín tôn giáo nhỏ, trong đó có Cao Đài và Hòa Hảo. Đạo Cao Đài thuộc quản lý của cả Bộ và Sở Lễ nghi và Tôn giáo thành phố Phnom Penh. Bộ Lễ nghi và Tôn giáo cố gắng để đạo Cao Đài hoạt động tốt tại Campuchia. Chủ trương của Chính phủ Hoàng gia Campuchia là muốn tất cả các tôn giáo chung sống hòa bình với nhau.
Cũng trong ngày 2/4, Đoàn đại biểu Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam đã tới chào xã giao bà Men Sam An - Phó Thủ tướng Campuchia kiêm đại diện cấp cao của Thủ tướng Hun Sen (Hun Xen).
Tại cuộc gặp này, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng đã thông báo về tình hình hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này, đặc biệt là cuộc họp thúc đẩy hợp tác tôn giáo giữa các tỉnh Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới trong năm 2018.
Phó Thủ tướng Men Sam An đặc biệt hoan nghênh chuyến thăm của Đoàn, bà cho rằng sự hồi sinh của các tôn giáo ở Campuchia chỉ thực sự bắt đầu từ sau Chiến thắng 7/1/1979 khi nhân dân Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam lật đổ chế độ Khmer Đỏ. Bà nhấn mạnh cả hai nước Việt Nam và Campuchia luôn ủng hộ và thúc đẩy tự do tôn giáo nhưng mọi hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phải nằm trong khuôn khổ của luật pháp.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Campuchia, Đoàn đại biểu Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam đã tới chào xã giao và làm việc với các vị chức sắc tôn giáo, trong đó có Vua sư phái Tiểu thừa Campuchia Bour Kri, lãnh đạo tôn giáo Cao Đài thành phố Phnom Penh./.