Việt Nam xuất hiện ca mắc biến thể phụ BA.2.12.1 trong cộng đồng

Tại các tỉnh khu vực phía Nam, biến thể phụ BA.4, BA.5 đang dần chiếm tỷ trọng cao cùng với biến thể phụ BA.2. đồng thời cũng phát hiện thêm cả biến thể phụ BA.2.12.1.
Việt Nam xuất hiện ca mắc biến thể phụ BA.2.12.1 trong cộng đồng ảnh 1Hội nghị tại điểm cầu ở Bộ Y tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong số hơn 30 mẫu được làm giải trình tự gene do Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trong tuần qua, biến thể phụ BA.2 chiếm khoảng 30%, còn lại là biến thể phụ BA.4, BA.5 đồng thời phát hiện thêm cả biến thể phụ BA.2.12.1.

Thông tin trên được Tiến sỹ Nguyễn Vũ Thượng-Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022 diễn ra chiều 21/7.

Dự báo ca mắc sẽ gia tăng

Tiến sỹ Nguyễn Vũ Thượng cho hay theo y văn thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 đều có khả năng lẩn tránh miễn dịch. BA.2.12.1 cũng có khả năng lẩn tránh miễn dịch nhưng ít hơn BA.4, BA.5. Vì vậy, nếu không làm tốt các biện pháp phòng chống dịch (tiêm vaccine, đeo khẩu trang…) thì dự báo ca mắc sẽ gia tăng.

[Ca mắc COVID-19 liên tục gia tăng: Người dân không được mất cảnh giác]

Theo các chuyên gia, việc tăng tỷ lệ nhiễm BA.2.12.1, BA.4 và BA.5 đi kèm với tăng mắc mới. Ở một số quốc gia, sự gia tăng ca bệnh cũng dẫn đến sự gia tăng số ca nhập viện, phải hồi sức và tử vong. BA.4 và BA.5 có khả năng lẩn tránh miễn dịch tốt hơn so với biến thể gốc của Omicron.

BA.4/BA.5 có hiệu giá kháng thể trung hòa thấp hơn khoảng 7,5 lần so với BA.1. Ngoài ra, BA.4/BA.5 có khả năng kháng với kháng thể vaccine cao gấp 3-4 lần so với các biến thể cũ của Omicron. BA.2.12.1 tăng 1.8 lần khả năng kháng với kháng thể tạo ra từ vaccine so với BA.2.

Tiến sỹ Nguyễn Vũ Thượng cho biết tại khu vực phía Nam, dịch COVID-19 tuy đã giảm song một số tuần gần đây số mắc có xu hướng tăng trở lại. Cụ thể, số ca mắc COVID-19 tại các tỉnh khu vực phía Nam giảm dần trong thời gian vừa qua và thấp nhất vào tuần 24-26, sau đó có sự gia tăng nhẹ từ tuần 27 đến nay.

Về kết quả giải trình tự gene, trong những tuần trước biến thể phụ BA.2 chiếm chủ yếu. Tuy nhiên, 3-4 tuần gần đây lại xuất hiện ổ dịch của chủng Delta làm tăng số ca mắc. Hiện nay, biến thể phụ BA.4, BA.5 đang dần chiếm tỷ trọng cao cùng với biến thể phụ BA.2. đồng thời cũng phát hiện thêm cả biến thể phụ BA.2.12.1.

Tránh nguy cơ dịch chồng dịch

Thông tin tại hội nghị, Tiến sỹ Nguyễn Lương Tâm-Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết những ngày vừa qua, cả nước ghi nhận trung bình khoảng 900 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, riêng ngày 20/7 ghi nhận trên 1.000 ca. Vì vậy, hệ thống y tế cần cảnh giác, không được chủ quan. Ngoài ra, trong cộng đồng nhiều người dân sau khi đã tiêm mũi cơ bản hoặc đã mắc COVID-19 cũng có tâm lý lơi là...

Việt Nam xuất hiện ca mắc biến thể phụ BA.2.12.1 trong cộng đồng ảnh 2Hội nghị diễn ra trực tuyến với nhiều điểm cầu trên cả nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại khu vực phía Bắc, Tiến sỹ Ngũ Duy Nghĩa-Trưởng khoa kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết theo xu hướng giảm chung, 6 tháng đầu năm các tỉnh miền Bắc ghi nhận gần 7 triệu ca COVID-19, chủ yếu ca cộng đồng. Đỉnh của dịch rơi vào tháng Ba với 5 triệu ca mắc, sau đó giảm dần, đến nay mỗi tháng ghi nhận khoảng 20.000 ca. Tuy nhiên, 2-3 tuần gần đây số ca mắc tăng nhẹ.

Về kết quả giải trình tự gene, trong số hơn 360 mẫu được giám sát từ đầu năm phát hiện chủ yếu là chủng Omicron. Từ tháng Sáu, khu vực này phát hiện thêm biến thể phụ của Omicron là BA.5 tại Hà Nội và sau đó là tại Cao Bằng, Thái Bình, Nghệ An và Hải Dương.

Tiến sỹ Thượng nhấn mạnh theo y văn thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 đều có khả năng lẩn tránh miễn dịch. BA.2.12.1 cũng có khả năng lẩn tránh miễn dịch nhưng ít hơn BA.4, BA.5.

Vì vậy, các địa phương nếu không làm tốt các biện pháp phòng chống dịch như đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19 mũi bổ sung, tăng cường theo hướng dẫn cho một số đối tượng theo hướng dẫn, đeo khẩu trang… thì dự báo ca mắc sẽ gia tăng, cùng với dịch sốt xuất huyết thì có nguy cơ dịch chồng dịch. Do đó các địa phương cũng cần thận trọng khi thấy dịch giảm, có thể do chưa nhập liệu đầy đủ nên cập nhật số liệu không chính xác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục