Việt Nam xây dựng "1 xã hội cho tất cả mọi người"

Đại sứ Bùi Thế Giang khẳng định Việt Nam làm hết sức mình nhằm để thực hiện cam kết xây dựng “Một xã hội cho tất cả mọi người."
Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định Việt Nam sẵn sàng làm hết sức mình nhằm đóng góp vào thực hiện cam kết xây dựng “một xã hội cho tất cả mọi người” mà lãnh đạo các nước đã nêu tại Copenhagen, Đan Mạch cách đây 15 năm và tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ tại New York cách đây hai tuần.

Đại sứ nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại cuộc họp về đề mục phát triển xã hội của Ủy ban 3 (chuyên trách về các vấn đề xã hội) thuộc Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 4/10.

Đại sứ Bùi Thế Giang ghi nhận nội dung Báo cáo của Liên hợp quốc về các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ năm 2010 công bố tỷ lệ nghèo trên toàn thế giới sẽ giảm xuống 15% năm 2015, tương đương 920 triệu người, bằng nửa tổng số người nghèo năm 1990, cũng như việc Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá tích cực rằng: “Thế giới ngày nay không có nhiều người nghèo hơn vì thiếu lương thực. Thế giới có đủ lương thực.”

Đại sứ cũng ghi nhận dấu hiệu phục hồi kinh tế ở một số nơi trên thế giới, nhưng lưu ý sự phục hồi đó tiến triển chậm hơn dự kiến, chưa vững chắc và không đồng đều, góp phần làm tăng thêm khoảng 75 triệu người thiếu dinh dưỡng, số người nghèo đã vượt mốc 1 tỷ trong năm 2009, thêm 64 triệu người sẽ bị đẩy vào tình trạng nghèo khổ tính đến cuối năm 2010, chưa kể khoảng 130-155 triệu người đã trở nên nghèo do tác động của cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng.

Trong bối cảnh chung đó, Đại sứ Bùi Thế Giang chia sẻ sự cần thiết phải tiến hành đồng thời cả ba trụ cột của phát triển xã hội gồm xóa nghèo, việc làm đầy đủ và hòa nhập xã hội; tán thành 6 nguyên tắc chung và khuôn khổ 6 điểm về quyền con người nhằm thúc đẩy hòa nhập xã hội do Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề xuất trong Báo cáo số A/65/168.

Đồng thời, Đại sứ cho rằng để đạt hiệu quả, các nguyên tắc và khuôn khổ đó cần được nội địa hóa thành những chiến lược, chương trình và kế hoạch quốc gia, tính đến những điều kiện lịch sử, văn hóa và dân tộc đặc thù và trình độ phát triển của từng nước.

Đại sứ cũng đề nghị bổ sung các nước phát triển vào danh sách các nhà tài trợ, các tổ chức tài chính quốc tế cần tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước chậm phát triển hơn và kêu gọi các nước phát triển thực hiện cam kết cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước đang phát triển, coi đó là một công cụ quan trọng giúp các nước đang phát triển đẩy nhanh quá trình hòa nhập xã hội và phát triển.

Đại sứ Bùi Thế Giang trình bày một loạt chính sách và biện pháp do Nhà nước Việt Nam triển khai thời gian qua nhằm tăng cường phục hồi kinh tế và xử lý tác động xã hội của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, trong đó có chủ trương cho người nghèo vay với lãi suất ưu đãi để khuyến khích sản xuất-kinh doanh như Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã nêu trong báo cáo số A/65/174, nhờ đó trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã đạt tăng trưởng GDP trên 6% và có khả năng đạt 6,7% trong cả năm, tăng xuất khẩu 19,7%, tăng giải ngân ODA 13,5% và tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 3,6%, tạo việc làm mới cho hơn 300.000 lao động.

Đại sứ cũng nhấn mạnh Việt Nam vẫn tiếp tục cần sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của quốc tế, trong đó Liên hợp quốc có thể và cần đóng một vai trò then chốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục