Trang covidvax.live chuyên cập nhật về tốc độ tiêm vaccine ngày 27/12 cho biết hiện Việt Nam trở thành quốc gia thứ 53 trên thế giới đạt mục tiêu tiêm đủ liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 cho 70% dân số.
Theo trang này, hiện mới chỉ có 63 nước và vùng lãnh thổ đạt được mục tiêu kể trên trong số hơn 220 nước và vùng lãnh thổ có số liệu về phòng, chống đại dịch.
Tại châu Á, tốc độ và số lượng tiêm phòng của Việt Nam cao hơn so với Thái Lan, Lào, Philippines, Ấn Độ và Indonesia. Ngoài châu Á, Việt Nam có độ bao phủ vaccine thấp hơn Mỹ chỉ 2 bậc. Trong khi đó, Việt Nam cao hơn Nga tới khoảng 40 bậc.
Theo số liệu do Bộ Y tế Việt Nam công bố ngày 27/12, cả nước đã tiêm tổng cộng hơn 146 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là hơn 77 triệu liều và tiêm mũi 2 là gần 66,5 triệu liều. Số người Việt Nam tiêm mũi 3 đạt gần 2,8 triệu liều.
Giới chuyên môn đánh giá tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Việt Nam cao hơn so mức dự báo hồi đầu năm 2021 phải đến tháng 4/2022, Việt Nam mới đạt tỷ lệ tiêm đủ số liều cần thiết.
Theo hãng tin Sputnik (Nga), chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam từ quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 thấp đã trở thành một trong nước tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới là nhờ chiến lược ngoại giao vaccne không ngừng nghỉ.
[Việt Nam vượt mốc 140 triệu liều tiêm vaccine phòng COVID-19]
Ngoại giao vaccine, chiến lược ngoại giao chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam đã và đang được triển khai một cách quyết liệt trong mọi hoạt động, góp phần giúp Việt Nam làm chủ vaccine, chủ động thích ứng an toàn và kiểm soát có hiệu quả đại dịch COVID-19 để tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội.
Không chỉ thành công trong việc đảm bảo được nguồn cung vaccine COVID-19, chiến lược ngoại giao vaccine còn đảm bảo trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine của thế giới cho Việt Nam như Sputnik-V (Nga), Abdala (Cuba) và mới đây nhất là Covaxin (Ấn Độ) và thuốc điều trị Movinavir.
Theo nhận định của các chuyên gia quan hệ quốc tế, khó khăn trong chiến lược ngoại giao vaccine của Việt Nam được “hóa giải” theo chiều rộng thông qua chuyến công du nước ngoài với tần suất dày đặc của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Qua chiến lược ngoại giao vaccine, ngoại giao Việt Nam đã phát huy rất tốt vai trò tiên phong trong việc xử lý các thách thức.
Hãng tin Sputnik cho rằng sau dịch bệnh COVID-19, khả năng xảy ra dịch bệnh khác, vì vậy, sự hợp tác, phối hợp và đồng hành động của cộng đồng quốc tế có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ an ninh lâu dài không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực.
Cho đến nay, chiến lược ngoại giao vaccine đã thể hiện là chủ trương đúng đắn, huy động được sự hỗ trợ to lớn của các nước, đối tác quốc tế, giúp tốc độ tiếp cận vaccine tăng đột phá. Đây là yếu tố quyết định để tiến tới kiểm soát dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, phát triển và hội nhập trong giai đoạn “bình thường mới”./.