Việt Nam với bước nhảy vọt ấn tượng về năng lực cạnh tranh

Mặc dù Việt Nam vẫn đang xếp sau một số quốc gia Đông Nam Á, song không nước nào có thể thực hiện bước nhảy vọt ấn tượng như vậy chỉ trong một năm.
Việt Nam với bước nhảy vọt ấn tượng về năng lực cạnh tranh ảnh 1Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp Minda Việt Nam (khu công nghiệp Bình Xuyên). (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 được công bố gần đây, Việt Nam tăng 10 bậc và lên thứ hạng 67, vượt trước một quốc gia lớn như Ấn Độ.

Mặc dù Việt Nam vẫn đang xếp sau một số quốc gia Đông Nam Á (trong bảng xếp hạng Singapore ở vị trí dẫn đầu và Philippines vị trí 64), song không nước nào có thể thực hiện bước nhảy vọt ấn tượng như vậy chỉ trong một năm.

Ông Vladimir Mazyrin, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Học viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói với Sputnik: “Nền kinh tế thế giới đang trên đà giảm tốc.

Chu kỳ kinh doanh sắp kết thúc, sau 1-2 năm nữa có thể nổ ra một cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế mới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn là ngôi sao sáng nhất cho thấy sự tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định.”

[Việt Nam tăng 10 bậc xếp hạng cạnh tranh: Nỗ lực được ghi nhận]

Việt Nam đã tăng trên tất cả các chỉ số mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới sử dụng để đánh giá về năng lực cạnh tranh. Sự ổn định kinh tế vĩ mô có điểm số tăng mạnh nhất.

Một thành phần của khái niệm này là giá trị đồng tiền quốc gia ổn định. Giáo sư Mazyrin nhận định trong khi đồng tiền quốc gia của những nước khác giảm giá tới 10% so với cuối năm 2018, tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD chỉ giảm 0,1%.

Chuyên gia Nga nói: “Bí quyết chính của sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng ở Việt Nam là đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là khung giờ vàng cho doanh nghiệp Việt Nam. Chính phủ đã nỗ lực và đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực này, bao gồm các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục xác minh, triển khai chính phủ điện tử, nền kinh tế kỹ thuật số, triển khai toàn diện Cửa sổ ASEAN, khuyến khích khởi nghiệp, và nhiều biện pháp khác.”

Cần phải lưu ý đến định hướng xã hội trong quá trình phát triển kinh tế. Một ví dụ nổi bật nhất là công tác giảm nghèo. Kể từ năm 1992, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm 10 lần.

Tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng, mức sống ngày càng tăng, thị trường trong nước đang mở rộng. Đây là những thành tựu trong lĩnh vực xã hội của sự tăng trưởng kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục