"Việt Nam vẫn rất cần nguồn ODA cho phát triển bền vững"

"Việt Nam vẫn rất cần sự hỗ trợ từ nguồn vốn ODA để đảm bảo phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình."

“Việt Nam đã đứng trong nhóm nước có thu nhập trung bình song vẫn rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế thông qua nguồn vốn ODA để hỗ trợ đảm bảo phát triển bền vững và tránh được bẫy thu nhập trung bình.”

Đây là ý kiến chung của các diễn giả và nhà tài trợ tham dự Diễn đàn Hiệu quả viện trợ lần thứ 7 (AEF7) diễn ra ngày 26/11 tại Hà Nội, do Bộ Kế hoạch đầu tư tổ chức trước thềm Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF).

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về triển vọng quan hệ hợp tác phát triển của Việt Nam trên cơ sở kết quả 20 năm quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ, cũng như bối cảnh phát triển mới của Việt Nam.

Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 20 năm qua, các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trên 78,2 tỷ USD vốn ODA, trong đó đã ký kết hiệp định chính thức 58,5 tỷ USD. Trong đó, đã có 37,6 tỷ USD vốn giải ngân với rất nhiều chương trình, dự án sử dụng vốn ODA được đưa vào sử dụng, tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam, đồng thời góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Tuy nhiên, trong điều kiện mới, nguồn vốn ODA sẽ có chiều hướng giảm. Các đại biểu cho rằng, Việt Nam cần có định hướng, chính sách và giải pháp tốt để sử dụng có hiệu quả các khoản vay kém ưu đãi, khai thác tốt các nguồn tài chính cho phát triển khác.

Bên cạnh các nguồn lực về tài chính, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm phát triển, chuyển giao công nghệ thông qua quan hệ hợp tác Bắc-Nam (giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển), Nam-Nam (giữa các nước đang phát triển với nhau) và ba bên (giữa các nước đang phát triển với sự hỗ trợ tài chính của nhà tài trợ).

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, đồng chủ tọa AEF phía nhà tài trợ nhấn mạnh, các đối tác phát triển sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu chung của sự phát triển của Việt Nam trong những năm tới.

Trên cơ sở đánh giá kết quả hoạt động của Diễn đàn AEF năm 2013, với những sáng kiến thực tiễn tốt như xây dựng Văn kiện quan hệ đối tác ở cấp ngành (Bộ Y tế), đề xuất xây dựng Trung tâm nguồn của các tổ chức xã hội nhân dân (CSO-RC)…, Diễn đàn AEF7 đã bàn thảo và thống nhất các hoạt động trong kế hoạch trung hạn 2014-2016.

Trong đó nhấn mạnh vai trò đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn hiệu quả viện trợ khu vực và quốc tế, đặc biệt với Hội nghị cao cấp Đối tác toàn cầu diễn ra vào tháng 4/2014 tại Mexico và tiến trình xây dựng Chương trình nghị sự phát triển của Liên hiệp quốc giai đoạn sau 2015.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đánh giá cao nỗ lực các bên tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện triển khai Văn kiện Quan hệ đối tác Busan (BPD) và Văn kiện Quan hệ đối tác Việt Nam (VPD) để hợp tác phát triển đạt hiệu quả cao, viện trợ đóng góp nhiều hơn vào hiệu quả phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục