Chiều 17/2, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã có buổi làm việc với ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) tại trụ sở của tổ chức này ở Geneva, Thụy Sĩ.
Đây là chuyến thăm và làm việc đầu tiên của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Tổng Giám đốc WIPO sau nhiều năm gián đoạn. Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói riêng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đặc biệt là lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã trao đổi các nội dung có liên quan, thống nhất chương trình hợp tác trong ngắn hạn và dài hạn giữa Việt Nam và WIPO gồm hỗ trợ rà soát, đánh giá độ tương thích của pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế nhằm xây dựng hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác giả; nghiên cứu, tìm hiểu về các Điều ước quốc tế để tham gia; Hỗ trợ công tác đào tạo, tuyên truyền và nâng cao nhận thức về quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam, dựa trên đánh giá sự đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp dựa trên bản quyền (hay còn gọi là công nghiệp văn hóa hoặc công nghiệp sáng tạo) tại Việt Nam mà xây dựng chiến lược phát triển dài hạn về quyền tác giả và quyền liên quan...
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva, Tổng Giám đốc WIPO, tiến sỹ Francis Gurry, cho biết sự hợp tác giữa Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới và Chính phủ Việt Nam đã không ngừng phát triển sâu rộng trong những năm qua. Nhờ đánh giá đúng đắn vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ trong phát triển kinh tế mà Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Tổng Giám đốc Francis Gurry cũng đã trao đổi ý kiến với Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhiều biện pháp để thúc đẩy hợp tác ngày càng hiệu quả và thiết thực hơn; nhấn mạnh đến vai trò của ngành công nghiệp sáng tạo trong tương lai như là con đường rộng mở để mang lại sự thịnh vượng cho nền kinh tế quốc gia.
Về phần mình, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao hợp tác chặt chẽ giữa WIPO với Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Cụ thể, WIPO đã cử chuyên gia sang Việt Nam tư vấn về xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; WIPO cũng đã tổ chức một số Hội thảo tại Việt Nam để nâng cao nhận thức về quyền tác giả, quyền liên quan cho các cán bộ quản lý và thực thi tại Việt Nam cũng như nâng cao nhận thức của công chúng như Hội thảo về quyền tác giả trong lĩnh vực điện ảnh năm 2013, Hội thảo về nâng cao nhận thức về quyền tác giả, quyền liên quan năm 2012 …
Hàng năm, WIPO đã mời Việt Nam tham dự nhiều Hội thảo quốc tế, Lớp tập huấn về quyền tác giả, quyền liên quan, các Hội nghị của Ủy ban Thường trực về quyền tác giả, quyền liên quan của WIPO; các phiên họp của Đại hội đồng WIPO.
Việt Nam cũng đã hoạt động một cách tích cực trong lĩnh vực quyền tác giả và liên quan và được WIPO lựa chọn tổ chức một số Hội nghị khu vực về quyền tác giả, quyền liên quan, như Hội nghị khu vực châu Á-Thái Bình Dương về chính sách và chiến lược quyền tác giả, quyền liên quan năm 2012, Hội nghị khu vực châu Á-Thái Bình Dương về quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực công nghệ thông tin năm 2009; Hội nghị khu vực châu Á-Thái Bình Dương về quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản năm 2004.
Tại Khóa họp Đại hội đồng WIPO lần thứ 51 (năm 2013), Việt Nam lần đầu tiên được bầu vào Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của WIPO, một trong những Ủy ban quan trọng nhất của WIPO, có chức năng thảo luận và thông qua các chương trình, phân bổ ngân sách của WIPO đồng thời Việt Nam được tái cử vào Ủy ban Thường trực về Quyền tác giả và Quyền liên quan của WIPO. Như vậy, Việt Nam tiếp tục là thành viên Ủy ban Điều phối của WIPO nhiệm kỳ 2013-2015.
Hiện nay, Việt Nam là thành viên của nhiều Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan mà WIPO đang quản lý như: Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật; Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống lại việc sao chép trái phép; Công ước Brussels về phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh; Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng./.