Ngày 2/5 tại Phòng Thương mại và Công nghiệp (CCI) Nice Côte d'Azur đã diễn ra buổi Tọa đàm thúc đẩy đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và các doanh nghiệp vùng Nice Côte d'Azur.
Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nice của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng.
Dưới sự đồng chủ trì của ông Christophe GAMON, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế của Nice Côte d'Azur và Đại sứ Đinh Toàn Thắng, buổi tọa đàm được tổ chức với sự phối hợp của CCI Nice Côte d'Azur, Team France Export, cùng các đại diện đầu tư và thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.
Tọa đàm kinh tế không chỉ thu hút được sự quan tâm và chú ý của đông đảo doanh nghiệp Pháp tại vùng Nice Côte d'Azur mà còn có sự tham dự của một số đại diện doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện các hoạt động đầu tư thương mại tại Pháp, trong đó điển hình là Tập đoàn FPT.
Tọa đàm doanh nghiệp tại CCI Nice Côte d'Azur lần này cũng là một trong những sự kiện trao đổi kinh tế đầu tư trực tiếp song phương đầu tiên được thực hiện tiếp nối sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Pháp vào tháng 11/2021. Sự kiện nhằm đánh thức tiềm năng, tạo thêm các cơ hội hợp tác, kết nối cho doanh nghiệp hai nước tại vùng Nice Côte d'Azur trong các lĩnh vực đầu tư và thương mại.
Tại buổi tọa đàm, doanh nghiệp hai nước đã được nghe các đại diện đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tại Pháp, đại diện Bộ Công Thương Việt Nam tại Pháp, Cơ quan Hải quan Pháp cung cấp các thông tin cụ thể và hữu ích về môi trường và các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam, cơ hội và tiềm năng cho hoạt động xuất nhập khẩu hai nước Pháp-Việt Nam, các quy định và lộ trình giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
[Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và thành phố Nice của Pháp]
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho rằng sự hiện diện của đông đảo doanh nghiệp tại Nice là minh chứng rõ nét cho mong muốn hợp tác kinh tế giữa hai nước nói chung và khu vực Nice Côte d'Azur nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ hai nước đang dần mở cửa trở lại sau những làn sóng ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 trong hai năm qua.
Pháp hiện là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Việt Nam tại EU với hơn 3,6 tỷ USD tổng vốn đăng ký, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Tuy nhiên, Pháp có nhiều lợi thế trong các lĩnh vực viễn thông, năng lượng tái tạo, môi trường, y sinh, công nghiệp chế tạo, nông sản, cơ sở hạ tầng và logistics. Đây là những lĩnh vực rất phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Kết quả hợp tác kinh tế song phương tuy đáng khích lệ nhưng Đại sứ cho rằng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên.
"Với quá trình hội nhập quốc tế và hành lang pháp lý ngày càng đồng bộ, kết hợp với những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và quyết tâm của Chính phủ, tôi tin rằng trong thời gian tới, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp nói chung và với thành phố Nice Côte d'Azur nói riêng sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ, cả về đầu tư cũng như số lượng và chất lượng," Đại sứ nhấn mạnh và cam kết "sẽ nỗ lực phát huy vai trò là cầu nối giữa hai nước, đồng hành cùng các đối tác khu vực để hợp tác phát triển bền vững, hướng tới thành công và hiệu quả."
Các doanh nghiệp Pháp đã đặt nhiều câu hỏi và chia sẻ những quan tâm và mong muốn phát triển thị trường tại Việt Nam đối với một số dự án về nông nghiệp sạch, các dự án có tính đổi mới sáng tạo, hợp tác trong lĩnh vực bệnh viện, dược phẩm, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe, du lịch,...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp hai bên đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và niềm tin đối với những cơ hội hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đặc biệt là những đột phá, mở cửa về thể chế, chính sách. Cùng với đó là những tín hiệu tốt về tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương hai nước không ngừng gia tăng; quan hệ hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước cũng đang ngày càng phát triển tích cực./.