Việt Nam và Thái Lan thúc đẩy công tác goại giao Kinh tế

Việt Nam và Thái Lan thúc đẩy công tác Ngoại giao Kinh tế

Đại sứ Phan Chí Thành cho biết hai bên sẽ tiếp tục phối hợp nhằm thống nhất nhận thức chung, thể chế hóa chủ trương coi doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ của công tác goại giao Kinh tế.
Việt Nam và Thái Lan thúc đẩy công tác Ngoại giao Kinh tế ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan kiêm nhiệm Đại diện Thường trực của Việt Nam tại ESCAP Phan Chí Thành. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)

"Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan nhận thức Ngoại giao Kinh tế là một trọng tâm bên cạnh Ngoại giao Chính trị, Ngoại giao Văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài." Đây là chia sẻ của Đại sứ Phan Chí Thành khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Thái Lan về những hoạt động mà Đại sứ quán đang tích cực triển khai nhằm thúc đẩy mục tiêu đưa kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam - Thái Lan lên 25 tỷ USD vào năm 2025 như lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí. 

Đại sứ Phan Chí Thành cho biết hợp tác kinh tế Việt Nam-Thái Lan đã và đang phát triển rất sinh động. Hai nước là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của nhau.

Hiện Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 9 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn hơn 13 tỷ USD. Về thương mại, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với kim ngạch hai chiều năm 2021 đạt 19,5 tỷ USD và trong 6 tháng đầu năm nay đạt 10,6 tỷ USD. 

Thời gian qua, trên tinh thần quán triệt phương châm lấy doanh nghiệp, địa phương làm trung tâm phục vụ của công tác ngoại giao kinh tế, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã triển khai quyết liệt các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế song phương; chủ động, tích cực và thường xuyên phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước.

Ngay khi Việt Nam mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa vì đại dịch COVID-19, tháng 7 vừa qua, Đại sứ quán đã chủ trì các diễn đàn kết nối 40 doanh nghiệp Việt kiều tại Thái Lan với hàng trăm doanh nghiệp từ 6 tỉnh, thành trong nước gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang và Bắc Giang. 

Đây thực chất là sáng kiến của Đại sứ quán về việc kết hợp công tác ngoại giao kinh tế với công tác người Việt Nam ở nước ngoài trên cơ sở đặc thù và thế mạnh địa bàn là cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan mong muốn hợp tác làm ăn với trong nước, nhưng chưa tìm được kênh kết nối hiệu quả. Theo Đại sứ, doanh nghiệp kiều bào chính là cầu nối trong giải quyết các vấn đề "điểm nghẽn" của hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng đã xác định thế mạnh đặc thù của địa bàn để xây dựng kế hoạch ngoại giao kinh tế phù hợp, với 5 nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2022 và 2023 gồm: Thúc đẩy kết nối kinh tế khu vực Đông Bắc Thái Lan và miền Trung Việt Nam thông qua Lào; Xúc tiến đầu tư và du lịch của Thái Lan vào đảo Phú Quốc; Thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Thái Lan; Thúc đẩy thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thái Lan; Triển khai ngoại giao tập đoàn tại Thái Lan. 

Đại sứ Phan Chí Thành nêu rõ việc thúc đẩy ngoại giao tập đoàn có ý nghĩa rất quan trọng. Hiện hầu hết các tập đoàn lớn của Thái Lan đều hiện diện tại Việt Nam với những dự án đầu tư lớn. Thời gian qua, Đại sứ quán đã làm việc với nhiều doanh nghiệp và hỗ trợ giải quyết các yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp, thúc đẩy các nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam.

Mặt khác, nhờ có mối quan hệ tốt với các tập đoàn, khi Việt Nam gặp những khó khăn nhất định, các tập đoàn Thái Lan đã giúp đỡ hiệu quả. Đơn cử như trong đợt vận động ngoại giao vaccine giúp Việt Nam chống dịch COVID-19 vừa qua, các tập đoàn Thái Lan đã hỗ trợ rất tích cực, với tổng trị giá hàng triệu USD.

[Đại sứ Phan Chí Thành: Đưa quan hệ Việt Nam-Thái Lan lên tầm cao mới]

Đại sứ Phan Chí Thành nhấn mạnh việc hãng hàng không Thai VietJet vừa khai trương đường bay thẳng Bangkok-Phú Quốc là kết quả nỗ lực của Thai VietJet và cũng là kết quả hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán trong vận động các cơ quan Thái Lan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam và Thái Lan thúc đẩy công tác Ngoại giao Kinh tế ảnh 2Đại sứ Phan Chí Thành. (Ảnh: Đỗ Sinh/Vietnam+)

Đây là cách làm mới và hiệu quả không chỉ đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và quảng bá du lịch Việt Nam đến du khách các nước, mà còn tiếp cận các nhóm khách Thái Lan và nước thứ ba có sức mua cao và có nhu cầu đầu tư vào Phú Quốc nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch giữa Việt Nam, Thái Lan và các nước.

Đại sứ Phan Chí Thành nhìn nhận quá trình thực hiện công tác ngoại giao kinh tế gặp một số khó khăn, trước hết là nhận thức về ngoại giao kinh tế vẫn còn khác nhau giữa các cơ quan ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Nội hàm ngoại giao kinh tế vẫn cần tiếp tục được bổ sung, làm rõ thì mới tạo được sức mạnh tổng hợp.

Bên cạnh đó, năng lực tiếp cận thị trường, mức độ sẵn sàng của các địa phương, doanh nghiệp không đồng đều trong nắm bắt các cơ hội hợp tác kinh tế với Thái Lan. Thực tế cho thấy các địa phương, doanh nghiệp trong nước chưa chú trọng nhiều đến đầu tư sang thị trường Thái Lan.

Không chỉ vậy, hiện vẫn còn khá nhiều rào cản, điểm nghẽn trong hợp tác đầu tư, xuất khẩu với Thái Lan. Đến nay, đầu tư Việt Nam sang Thái Lan mới chỉ đạt 32 triệu USD (so với con số 13 tỷ USD đầu tư Thái Lan sang Việt Nam). Việt Nam tiếp tục là nước nhập siêu trong quan hệ thương mại với Thái Lan. 

Trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan sẽ tiếp tục phối hợp nhằm thống nhất nhận thức chung, thể chế hóa chủ trương coi doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ của công tác ngoại giao kinh tế; tiếp tục thực hiện Đề án ngoại giao kinh tế với 5 nhiệm vụ trọng tâm tại địa bàn; tiếp tục quảng bá môi trường đầu tư, thương mại và du lịch Việt Nam đến doanh nghiệp và người dân Thái Lan, thúc đẩy thu hút các nguồn đầu tư chất lượng cao từ Thái Lan như năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao…, cũng như tiếp tục quảng bá cơ hội đầu tư tại Thái Lan đến các địa phương, doanh nghiệp trong nước, góp phần tăng đầu tư Việt Nam sang Thái Lan.

Đại sứ quán cũng tập trung tháo gỡ các vấn đề điểm nghẽn trong hợp tác kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu nông sản Việt Nam; thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch mới kết nối điểm đến tại mỗi nước, tích cực quảng bá du lịch Việt Nam đến người Thái Lan và du khách từ các nước thứ ba, đặc biệt là tầng lớp trung lưu và khá giả; tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Thái Lan, tiến tới thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thái Lan (VietCham)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục