Trong các ngày từ 26-29/11, đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Trương Minh Tuấn dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Pháp nhằm tăng cường hợp tác về thông tin, công nghệ thông tin và truyền thông giữa hai nước Việt Nam và Pháp.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn đã có các buổi làm việc với ông Bertrand Pailhès, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số của Pháp, ban lãnh đạo của tập đoàn truyền thông France Médias Monde, tham dự buổi gặp gỡ các doanh nghiệp Pháp-Việt về công nghệ thông tin và truyền thông, hội đàm với Quốc vụ khanh phụ trách cải cách hành chính Nhà nước và đơn giản hóa thủ tục hành chính Pháp Jean-Vincent Placé và ký kết Ý định thư hợp tác Việt-Pháp về phát triển chính phủ điện tử.
Phát biểu tại buổi làm việc với Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số, Bertrand Pailhès sáng 28/11, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng quan hệ đối tác Việt Nam và Pháp đã và đang phát triển trên mọi lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược năm 2013.
Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông đang góp phần làm sâu sắc mối quan hệ này cũng như đóng góp đáng kể vào sự phát triển của mỗi nước.
Pháp hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam đồng thời cũng là nhà tài trợ vốn viện trợ phát triển (ODA) lớn nhất của châu Âu cho các dự án phát triển hạ tầng cơ sở viễn thông của Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghệ thông tin-truyền thông nói riêng và phát triển kinh tế nói chung của Việt Nam.
Bộ trưởng cũng bày tỏ tin tưởng rằng các doanh nghiệp Pháp với thế mạnh về vốn, công nghệ và kinh nghiệm kinh doanh quốc tế, sẽ tiếp tục đến đầu tư và triển khai các dự án hợp tác với Việt Nam.
Tại buổi gặp, hai bên hài lòng nhận thấy các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam và Pháp đã tiến hành nhiều hoạt động tăng cường trao đổi thông tin về mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế như phát triển các dịch vụ mới, an toàn và an ninh thông tin, quản lý phát thanh truyền hình, quản lý tần số vô tuyến điện, tái cấu trúc các tập đoàn viễn thông, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Cơ quan thương mại Pháp đã tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhiều hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý và tìm hiểu cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực liên quan.
Về hợp tác nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực, thông qua những hợp đồng thương mại, các doanh nghiệp Pháp đã chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nhằm đảm bảo cho sự phát triển kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ Pháp cũng dành nhiều học bổng để đào tạo các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam tại các trường của Pháp và các nước khác, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin vệ tinh.
Sáng 29/11, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã tham dự buổi gặp gỡ doanh nghiệp Pháp-Việt về công nghệ thông tin và truyền thông với sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp Pháp.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Frédéric Rossi, Phó Tổng Giám đốc phụ trách xuất khẩu của Cơ quan xúc tiến thương mại Pháp Business France đã đánh giá cao chủ trương, chính sách của Việt Nam ưu tiên phát triển công nghệ thông tin-truyền thông, coi đây là một trong những ngành mũi nhọn quan trọng để thúc đẩy kinh tế, đồng thời ca ngợi sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này.
Theo ông, đây là ngành đã có mức tăng trưởng hàng năm là 20%, liên tục từ năm 2000 trở lại đây. Năm 2015, công nghệ thông tin-truyền thông chiếm 7,5% Tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam (GDP).
Đánh giá về môi trường đầu tư của Việt Nam, ông cho rằng các nhà đầu tư Pháp đã không nhầm khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến, đồng thời bày tỏ sự hài lòng khi Liên minh các doanh nghiệp công nghệ của Pháp (French Tech) quy tụ khoảng 120 doanh nghiệp của Pháp và Việt Nam đã được thành lập vào tháng 10 vừa qua tại Việt Nam.
Ông tin tưởng rằng các doanh nghiệp thuộc liên minh French Tech sẽ tận dụng được lợi thế của Việt Nam và sẽ gặt hái được thành công. Ông cũng cho biết không chỉ có các doanh nghiệp Pháp nhanh nhạy nắm bắt được cơ hội làm ăn tại thị trường Việt Nam, các tập đoàn của Việt Nam không để lỡ cơ hội mở ra đối với thị trường Pháp. Cụ thể, Viettel và FPT là hai doanh nghiệp Việt Nam tiên phong đi đầu đã mở văn phòng đại diện tại Pháp.
Về phần mình, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết ngành công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam đang ở trong giai đoạn vươn mình phát triển mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng. Đây là cơ hội vàng cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Bộ trưởng tin tưởng rằng thông qua buổi tọa đàm, doanh nghiệp công nghệ thông tin-truyền thông hai nước sẽ tìm kiếm được nhiều cơ hội hợp tác, ký kết được nhiều hợp đồng kinh doanh mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp cũng như góp phần phát triển quan hệ chung giữa hai nước.
Cũng trong ngày 29/11, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã có buổi hội đàm với Quốc vụ khanh phụ trách cải cách hành chính Nhà nước và đơn giản hóa thủ tục hành chính Pháp Jean-Vincent Placé.
Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng cho biết Chính phủ Việt Nam xác định công nghệ thông tin-truyền thông là yếu tố then chốt, là động lực quan trọng của sự phát triển và hiện đại hóa đất nước. Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển đối với lĩnh vực này, trong đó tập trung tăng cường ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin-truyền thông để xây dựng xã hội công dân điện tử, chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử; xây dựng các thế hệ ứng dụng thông minh như thành phố thông minh (Smart City), giao thông thông minh... tiến tới xã hội thông minh.
Quốc vụ khanh Jean-Vincent Placé vui mừng nhận thấy Việt Nam coi trọng và có chiến lược cụ thể đối với việc phát triển công nghệ số. Ông cũng cam kết hỗ trợ tích cực tối đa các doanh nghiệp Pháp muốn xâm nhập vào thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông và kỹ thuật số.
Sau buổi hội đàm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và Quốc vụ khanh Jean-Vincent Placé đã ký Ý định thư Việt-Pháp về hợp tác trong lĩnh vực hành chính điện tử. Đây được coi là một cơ sở nhằm giúp các doanh nghiệp công nghệ thông tin-truyền thông của Pháp xâm nhập thị trường Việt Nam đồng thời cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp và Việt Nam.
Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo của tập đoàn France Médias Monde, cơ quan chủ quản của nhiều đài phát thanh và kênh truyền hình trong đó có kênh truyền hình France 24.
Ông Marc Saikali, Giám đốc kênh France 24 đã cảm ơn Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép, đưa kênh France 24 (phiên bản tiếng Anh) đến với khán giả Việt Nam. Ông mong muốn mở rộng diện phủ sóng của kênh France 24 và được cấp thêm giấy phép cho phiên bản tiếng Pháp nhằm phục vụ khán giả biết tiếng Pháp tại Việt Nam. Trước khi diễn ra buổi làm việc, đoàn công tác đã tham quan một số trường quay đang sản xuất các chương trình của kênh France 24.
Cũng trong thời gian công tác tại Pháp, đoàn công tác đã đến thăm Trung tâm nghiên cứu và phát triển các thiết bị công nghệ của tập đoàn Nokia-Alcatel Lucent tại thị trấn Nozay, thuộc vùng Ile-de-France.
Trước đó, trong ngày 27/11, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã đến thăm ba cơ quan báo chí Việt Nam thường trú tại Pháp gồm TTXVN, Đài Tiếng nói Việt Nam và báo Nhân Dân.
Bộ trưởng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí Việt Nam thường trú tại Pháp nhằm đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác và có chất lượng.
Bộ trưởng căn dặn các cơ quan thường trú cần làm tốt việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè Pháp đồng thời cung cấp kịp thời, chính xác và có định hướng thông tin thời sự về nước sở tại và các vấn đề quốc tế cho người dân trong nước, làm tốt chức năng là các cơ quan thông tin chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước./.