Việt Nam và những thách thức trong thế kỷ 21

Một trong những thách thức lớn của Việt Nam khi đạt mức độ phát triển cao hơn là tiếp tục tận dụng sự năng động của thị trường.
Ngày 16/11, tại Buenos Aires, Argentina đã diễn ra buổi tọa đàm “Việt Nam và những thách thức của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ 21” bàn về con đường xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Với những mẩu chuyện dẫn chứng từ thực tế, Đại sứ Việt Nam tại Argentina Nguyễn Văn Đào đã kể lại một cách sinh động những quyết định bước ngoặt của Đảng trong công cuộc Đổi mới 20 năm qua, với mục tiêu cao nhất là vượt qua khủng hoảng, phát triển đất nước, vượt qua đói nghèo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, giữ vững mục tiêu và lý tưởng, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại sứ Nguyễn Văn Đào khẳng định quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những mục tiêu cụ thể của con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân Việt Nam đang xây dựng chính là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Những thành công bước đầu của quá trình này cũng chính là đóng góp của Việt Nam vào việc tìm ra con đường phát triển của chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay.

Bằng những con số thống kê cụ thể, nhà xã hội học Atilio Borón, Giám đốc Chương trình Mỹ Latinh về Giáo dục Khoa học xã hội từ xa (PLED-CCC), đã nêu bật những thành tựu của “điều thần kỳ” Việt Nam trong cả hai mặt tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, để vượt qua hậu quả to lớn sau hàng thập kỷ chiến tranh.

Nhà phân tích chính trị có uy tín tại Argentina này nhận định một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam một khi đạt được mức độ phát triển cao hơn là tiếp tục tận dụng được sự năng động của cơ chế thị trường, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực về mặt xã hội của quá trình toàn cầu hóa đang ngày càng mạnh mẽ.

Giáo sư kinh tế Ricardo Aronskind, thuộc trường Đại học Quốc gia Sarmiento, tập trung phân tích quá trình chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung của Việt Nam kể từ Đại hội Đảng VI năm 1986, và đánh giá cao sự hoạt động của mô hình kinh tế nhiều thành phần với vai trò chủ đạo của Nhà nước mà Việt Nam đã vận dụng rất thành công trong những năm qua.

Diễn giả Aronskind cũng điểm một số thách thức trong giai đoạn phát triển tiếp theo, từ nguy cơ “xâm chiếm” văn hóa từ bên ngoài, thay đổi cách sống và thói quen làm việc tới bối cảnh quốc tế và khu vực phức tạp, khó khăn mang tính toàn cầu mà đa số các nước đang phát triển đang phải đối mặt để bảo vệ các thành quả xã hội của mỗi nước.

Ông tin tưởng với truyền thống thích ứng để vượt qua khó khăn trong quá khứ và với những thành công quan trọng trong những thập kỷ qua, nhân dân Việt Nam sẽ biết lựa chọn con đường đi đúng đắn nhất cho chính mình để vừa kiên trì lý tưởng cách mạng, vừa xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục