Việt Nam và Nhật Bản thúc đẩy giao thương và hợp tác kinh tế

Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản có độ tin cậy cao và đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Việt Nam và Nhật Bản thúc đẩy giao thương và hợp tác kinh tế ảnh 1Lễ ký kết hợp tác giữa Công ty cổ phần nhựa Hưng Yên và công ty Nichietsu của Nhật Bản. (Ảnh: Thành Hữu/Vietnam+)

Chiều 20/9, tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), Cục Xúc tiến thương mại, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Trung tâm Nhật Bản-ASEAN đã tổ chức Hội thảo giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Nhật Bản.

Tham dự hội thảo có gần 100 doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm, hàng dệt may, tiêu dùng và công nghiệp phụ trợ.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu tại hội thảo, Tổng Thư ký Trung tâm Nhật Bản-ASEAN Masataka Fujita đánh giá cao lĩnh vực thương mại của Việt Nam thời gian qua, trong bối cảnh kim ngạch thương mại các nước khu vực đều giảm, Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 177,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015; trong đó, thị trường Nhật Bản đã góp phần đáng kể giúp thương mại Việt Nam tăng trưởng ổn định.

Theo ông Fujita, việc lựa chọn phương thức thương mại khi hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản phụ thuộc vào chiến lược và sản phẩm của các công ty, có thể kết hợp nhiều phương thức để tăng cơ hội xuất khẩu, song phương thức nào cũng có cạnh tranh và các doanh nghiệp cần thiết phải nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh đã nêu bật những lợi thế về môi trường đầu tư Việt Nam, trong đó quan hệ Việt Nam-Nhật Bản có độ tin cậy cao và đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Bên cạnh đó, Việt Nam có sự ổn định chính trị, có nguồn lao động dồi dào với 60% dân số dưới 35 tuổi và sẽ đạt mốc 100 triệu dân trong một tương lai không xa.

Việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN cuối năm 2015 đã tạo ra một thị trường rộng lớn với 600 triệu dân và khi các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác với Việt Nam sẽ có thể thâm nhập thị trường rộng lớn này.

Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên của nhiều khuôn khổ hợp tác, hai bên đã có Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, cùng là thành viên Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản, do đó trong thương mại có thể hưởng mức thuế gần 0%.

Tham tán Tạ Đức Minh cũng khẳng định Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản sẽ luôn sát cánh cùng doanh nghiệp thúc đẩy quan hệ thương mại, đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia.

[Việt Nam sẽ cải cách thể chế để tăng thu hút đầu tư từ Nhật Bản]

Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bùi Thị Thanh An đã trình bày về tình hình kinh tế-thương mại của Việt Nam, về quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản, những thuận lợi khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào một số dự án quan trọng đối với kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Việt Nam và Nhật Bản thúc đẩy giao thương và hợp tác kinh tế ảnh 2Quang cảnh Hội thảo giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Nhật Bản. (Ảnh: Thành Hữu/Vietnam+)

Tại buổi hội thảo đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Công ty cổ phần nhựa Hưng Yên và Công ty Nichietsu của Nhật Bản.

Chia sẻ về thành công tại thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Mạnh Tùng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần nhựa Hưng Yên, cho rằng để thâm nhập thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, tiếp đến là tiến độ giao hàng phải đúng hạn, giá thành phải hợp lý, giữ uy tín và cuối cùng là phải làm việc bằng cả tấm lòng.

Hội thảo giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Nhật Bản đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam tiếp cận, trao đổi trực tiếp với nhau.

Đây là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực và có ý nghĩa, góp phần tăng cường quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục