Tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, đại diện Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương về lĩnh vực Lâm nghiệp.
Bản ghi nhớ được ký kết nhân chuyến công tác tại Nhật Bản của Đoàn Việt Nam do ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, làm trưởng đoàn.
Bản ghi nhớ xác định 8 hoạt động hợp tác: quản lý rừng bền vững; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng, phát huy giá trị đa dụng của rừng; tăng cường công tác bảo tồn rừng, đa dạng sinh học và phục hồi cảnh quan rừng; quản lý rừng để phòng chống thiên tai; nghiên cứu và Phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực lâm nghiệp; phát triển nguồn nhân lực; tính hợp pháp của gỗ, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ có trách nhiệm.
Tại buổi lễ, ông Trần Quang Bảo đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của phía Nhật Bản dành cho Việt Nam về lĩnh vực lâm nghiệp trong những năm qua. Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng và triển khai Chiến lược, chính sách và các dự án quan trọng của ngành như: hoàn thiện hệ thống luật pháp, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Lâm nghiệp.
Thông qua các chương trình, dự án ODA hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại, các dự án vay ưu đãi, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam tăng cường quản lý rừng bền vững, nâng cao sinh kế cho cộng đồng dựa vào rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, và biến đổi khí hậu trong lâm nghiệp.
Hầu hết các chương trình/dự án đã và đang triển khai tại Việt Nam được đánh giá là có hiệu quả, góp phần vào sự thành công của ngành lâm nghiệp trong những năm vừa qua. Đối với lĩnh vực thương mại gỗ và sản phẩm gỗ, Nhật Bản là một trong năm quốc gia nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với khoảng từ 1,5-2 tỷ USD hàng năm.
Ông Trần Quang Bảo cũng nhấn mạnh mặc dù đạt được những kết quả hợp tác quan trọng, song hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hơn nữa nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của hai quốc gia trong lĩnh vực lâm nghiệp, làm cho hợp tác hai bên đi vào chiều sâu, góp phần cho sự phát triển của ngành lâm nghiệp hai nước.
Ông Bảo cũng đánh giá cao sự phối hợp tích cực của Cục Lâm nghiệp Nhật Bản trong quá trình xây dựng và tổ chức lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương về lâm nghiệp với Việt Nam trong không khí đoàn kết, thân thiện.
Ông Aoyama Toyohisa, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Nhật Bản, cũng đánh giá rất cao sự phối hợp chặt chẽ của phía Việt Nam trong quá trình hợp tác và đạt được những thành tựu quan trọng. Ông đề nghị trong thời gian tới, hai bên cần tăng cường phối hợp xây dựng kế hoạch để triển khai một cách có hiệu quả, thiết thực 8 hoạt động hợp tác mà hai bên đã xác định trong Bản ghi nhớ.
Ông AOYAMA Toyohisa đề nghị trước mắt, hai bên tập trung phối hợp triển khai 4 lĩnh vực xây dựng và công nhận lẫn nhau về tính hợp pháp của gỗ nhằm tăng cường thương mại gỗ có trách nhiệm; tạo điều kiện thuận lợi để chuyên gia Nhật Bản có thể sang Việt Nam làm việc và giúp đỡ Việt Nam nhiều hơn trong lĩnh vực lâm nghiệp; phối hợp triển khai tốt Cơ chế Tín chỉ chung (JCM) được ký kết năm 2013; phối hợp xây dựng và triển khai dự án hợp tác liên quan đến Tổ chức Gỗ nhiệt đới quốc tế (ITTO).
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn Việt Nam đã dành thời gian tham dự các sự kiện như tọa đàm song phương với Hiệp hội Năng lượng sinh khối Nhật Bản; họp với đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; hội nghị Năng lượng sinh khối châu Á lần thứ 4.
Tại các sự kiện này, Việt Nam đã chia sẻ thông tin về tình hình chế biến, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, những quy định pháp luật của Việt Nam về tính hợp pháp của gỗ nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, thương mại gỗ cũng như viên nén gỗ hợp pháp và bền vững giữa hai nước./.
Nhật Bản cung cấp bản đồ cảnh báo lũ lụt cho Việt Nam và 3 nước Đông Nam Á
Dựa trên dữ liệu quan sát được thu thập trên mặt đất, trong đó có cả máy đo lượng mưa, Nhật Bản sẽ tạo bản đồ cảnh báo lũ lụt các khu vực cụ thể cho Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Campuchia.