Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ hội tiềm năng đầu tư về công nghệ chip

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh Việt Nam là đất nước có tiềm năng phát triển về công nghệ chip và mong muốn thu hút đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh vực này.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn Nghị sĩ Thượng viện Nhật Bản. (Ảnh: BTC/Vietnam+)
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn Nghị sĩ Thượng viện Nhật Bản. (Ảnh: BTC/Vietnam+)

Ngày 28/8, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn Nghị sĩ Thượng viện Nhật Bản do ông Nakanishi Yusuke, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do làm Trưởng đoàn.

Tại buổi làm việc, đại diện hai bên đã có những trao đổi về định hướng phát triển một số lĩnh vực liên quan đến ngành công nghệ chip, nguyên tử, vệ tinh… Trong đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng Việt Nam là đất nước có tiềm năng phát triển đối với công nghệ chip. Ngoài việc có đất đai rộng, tài nguyên nước dồi dào, hạ tầng sân bay, còn hai nguồn lực quan trọng cho phát triển công nghệ này là mỏ đất hiếm và nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh vực này.

BT 3.JPG
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: BTC/Vietnam)

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị phía Nhật Bản nghiên cứu, bố trí nguồn vốn ODA hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa Hệ thống thông quan hải quan VNACCS/VCIS trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ Nhật Bản trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, góp phần vào sự phát triển quan hệ hai nước nói chung và của ngành Tài chính Việt Nam nói riêng. Ông cũng bày tỏ mong muốn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước sẽ được phát triển lên tầm cao mới, bước sang giai đoạn hợp tác mạnh hơn, sâu và rộng hơn nữa.

Hiện nay, Nhật Bản là đối tác lớn của Việt Nam về thương mại, kinh tế, đầu tư và hiện là nước cung cấp vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam. Những công trình, dự án mà Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đều là các công trình mang tính hiện đại, phát triển bền vững, phát huy hiệu quả tốt, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ, đặc biệt là phát triển nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ. Trong những năm qua, dù chịu tác động lớn từ dịch COVID-19, nhưng nhờ có sự giúp đỡ, hỗ trợ của các quốc gia trong đó có Nhật Bản, Việt Nam đã vượt qua khó khăn, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022, 2023 lần lượt đạt 8,02% và 5,05%, dự kiến năm 2024 tăng trưởng kinh tế đạt trên 6,5%.

Việt Nam cũng giữ được giá trị của đồng Việt Nam và tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam so với các đồng tiền khác. Bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; nợ công khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức Quốc hội giao. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt khoảng 740 tỷ USD/năm và Nhật Bản là một trong số các quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam chiếm tỷ trọng cao.

Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, trong mấy năm qua, Chính phủ đã thực hiện giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp khoảng 10 tỷ USD/năm đồng thời tăng chi cho đầu tư phát triển, trung bình khoảng 20 tỷ USD/năm.

Phó Thủ tướng chia sẻ dự kiến đến hết năm 2024, Việt Nam sẽ quay về chính sách tài khóa bình thường, hợp lý. Việc giảm thuế đã góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Để đảm bảo tài khóa, Việt Nam thực hiện mở rộng cơ sở thu, chống chuyển giá, chống trốn thuế và đẩy mạnh thu ở các lĩnh vực mà trước đây chưa thu được, như thu thuế từ sàn thương mại điện tử trong nước, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, thu thuế bán hàng online, siết chặt thanh toán qua ngân hàng, đảm bảo tài sản công vững mạnh...

Tang qua .JPG
Đại diện hai bên tặng quà lưu niệm. (Ảnh: BTC/Vietnam+)

Trong thời gian tới, Việt Nam tập trung phát triển kinh tế theo 3 mũi đột phá: hoàn thiện thể chế pháp luật; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, chú trọng các giải pháp công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi năng lượng, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đặc biệt, Việt Nam đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, tập trung chủ yếu vào các dự án đường cao tốc, cảng biển, sân bay quốc tế, tập trung đầu tư vào các dự án nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết dự kiến Việt Nam sẽ cần rất nhiều vốn. Do đó, Việt Nam mong muốn phía Nhật Bản tiếp tục quan tâm, ủng hộ bằng nguồn vốn ODA thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Thay mặt Đoàn Thượng Nghị sĩ Nhật Bản, ông Nakanishi Yusuke, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do, Trưởng đoàn gửi lời chúc mừng tới Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trên cương vị mới đồng thời chúc mừng ngành Tài chính nhân kỷ niệm 79 năm ngày thành lập (28/8/1945-28/8/2024).

Vui mừng trước những thành tựu phát triển kinh tế xã hội vượt bậc của Việt Nam trong những năm qua, ông Nakanishi Yusuke khẳng định trong 51 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước, Nhật Bản luôn nỗ lực hỗ trợ Việt Nam để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giữ vững vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế Đông-Tây và khu vực Đông Nam Á. “Trong năm 2023, số vốn vay cam kết của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam đã đạt 100 tỷ yên là minh chứng cụ thể cho nỗ lực này,” ông Nakanishi Yusuke nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục