Việt Nam và Lào ký kết thỏa thuận hợp tác về phát triển nguồn nhân lực

Việt Nam và Lào thống nhất sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo nghề hợp tác, trao đổi kinh nghiệm; khuyến khích quản lý và hợp tác lao động dịch chuyển có tay nghề giữa hai quốc gia.
Ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Lào. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng đặc biệt về lao động, phúc lợi xã hội và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam-Lào diễn ra hôm nay 29/11 tại Quảng Ninh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung khẳng định Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ truyền thống và gắn bó lâu đời, người dân hai nước thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh.

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, hai bên đã đa dạng hóa các hình thức hợp tác từ đào tạo ngắn hạn, luyện thi tay nghề ASEAN tới hỗ trợ trang thiết bị và đào tạo dài hạn từ bậc đại học. Trong lĩnh vực phúc lợi xã hội, việc trao đổi đoàn nhằm chia sẻ cơ chế, chính sách theo cơ chế luân phiên đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Bộ.

Sự hợp tác về lao động, xã hội và phát triển nguồn nhân lực còn có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các địa phương. Đặc biệt là các tỉnh chung biên giới Việt Lào và các tỉnh có quan hệ hợp tác kết nghĩa và các đơn vị chuyên môn thuộc hai bộ.

 Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hy vọng với những nội dung đã trao đổi, việc ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam cùng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào sẽ tiếp tục thúc đẩy theo hướng cụ thể, thiết thực, phù hợp với tiềm năng và mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai nước.

Tại hội nghị, Bộ trưởng hai bộ đã thông tin cập nhật về tình hình phát triển trong lĩnh vực lao động, phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực của hai nước Việt Nam-Lào và tiếp tục khẳng định tình đoàn kết gắn bó và hợp tác chặt chẽ giữa hai bộ nói riêng và giữa hai nước nói chung.

Hội nghị đánh giá cao các kết quả thực hiện Biên bản Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc Lợi xã hội lần thứ 7 năm 2021 và tình hình hợp tác về lao động và phúc lợi xã hội giai đoạn 2012-2022. Theo đó, hai bên tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho lao động hai nước làm việc tại Lào và Việt Nam; chia sẻ bài học kinh nghiệm về phát triển kỹ năng nghề trong tình hình mới, quản lý lao động di cư, hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng trong đại dịch COVID-19; trao đổi đoàn chia sẻ bài học kinh nghiệm về an sinh xã hội, bao gồm hỗ trợ nạn nhân bị bom mìn, an toàn vệ sinh lao động và người khuyết tật...

[Việt Nam-Lào thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao]

Hội nghị đã thảo luận các hoạt động hợp tác trong năm 2023 giữa hai bộ và thống nhất cần nghiên cứu các định hướng hợp tác trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội trong bối cảnh mới, tập trung vào một số nội dung chính như: Chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng, hoàn thiện luật pháp, chính sách về lao động và phát triển nguồn nhân lực; hợp tác đào tạo về phát triển kỹ năng nghề, xây dựng các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực.

Hai bên thống nhất sẽ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm phát triển kỹ năng nghề, các cơ sở đào tạo nghề hợp tác, trao đổi kinh nghiệm; khuyến khích quản lý và hợp tác lao động dịch chuyển có tay nghề giữa hai nước; hợp tác và hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các dự án đào tạo, phát triển kỹ năng nghề; hỗ trợ thiết bị, xây dựng các chương trình về phát triển kỹ năng và đào tạo nghề.

Đặc biệt, hai bên sẽ hợp tác đào tạo tiếng Lào và Tiếng Việt Nam cho cán bộ, giáo viên các Trung tâm dạy nghề của hai Bộ Việt Nam và Lào (từ nguồn vốn ODA của hai chính phủ Việt Nam - Lào hàng năm); hợp tác triển khai các dự án liên quan mà hai bên cùng quan tâm và phát triển nguồn nhân lực trong khuôn khổ khu vực và quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục