Việt Nam và Indonesia ủng hộ tiến trình chuyển tiếp ở Sudan

Việt Nam và Indonesia đánh giá cao vai trò của Liên hợp quốc, AU và các nước khu vực trong thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Sudan, đặc biệt là vai trò trung gian hòa giải của nước láng giềng Nam Sudan.
Người dân Sudan tại thủ đô Khartoum. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 8/12 đã họp công khai trực tuyến về tình hình Sudan và hoạt động của Phái bộ hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của Liên hợp quốc ở nước này (UNITAMS).

Phiên họp có sự tham dự của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các hoạt động hòa bình Jean-Pierre Lacroix và Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các hoạt động hỗ trợ vận hành Atul Khare.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, các báo cáo viên đã cập nhật thông tin về những diễn biến mới ở Sudan, đặc biệt là việc chính phủ và hai nhóm vũ trang lớn tại khu vực Darfur ký kết thỏa thuận hòa bình lịch sử hôm 3/10; kêu gọi chính phủ và các nhóm vũ trang thực hiện đầy đủ thỏa thuận hòa bình để tiến trình chuyển tiếp ở Sudan diễn ra đúng lộ trình, tiến tới bầu cử sau 39 tháng.

Các báo cáo viên cũng chia sẻ những khó khăn về kinh tế, nhân đạo mà Sudan đang phải đối mặt cũng như bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng bạo lực giữa các cộng đồng ở khu vực Darfur.

Các báo cáo viên cũng thông tin về công tác chuẩn bị triển khai UNITAMS, cho biết UNITAMS dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầy đủ vào ngày 1/1/2021 và khẳng định Liên hợp quốc sẽ tiếp tục trao đổi chặt chẽ với chính phủ Sudan trong quá trình UNITAMS thực thi nhiệm vụ.

[Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ nâng cao vị thế Việt Nam]

Các nước thành viên Hội đồng Bảo an chia sẻ đánh giá của các báo cáo viên về những tiến triển tích cực gần đây tại Sudan. Tuy nhiên, các nước cho rằng tình hình Sudan vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng gia tăng bạo lực giữa các cộng đồng, hậu quả của thiên tai và tác động của đại dịch COVID-19; kêu gọi các bên ở Sudan tiếp tục thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp phù hợp với thỏa thuận hòa bình.

Các nước mong muốn UNITAMS sẽ sớm được triển khai và đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp ở Sudan. 

Một số nước nhấn mạnh quá trình rút quân của Phái bộ Hỗn hợp của Liên hợp quốc-Liên minh châu Phi (AU) tại Darfur (UNAMID), nhường chỗ cho UNITAMS, cần tránh tạo khoảng trống về an ninh tại khu vực.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Sudan tại Liên hợp quốc khẳng định chính phủ chuyển tiếp sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hòa bình và phát triển ở Sudan, nhấn mạnh các nỗ lực của chính phủ trong việc nâng cao năng lực bảo vệ thường dân và khẳng định lực lượng an ninh của chính phủ có đầy đủ khả năng thay thế UNAMID khi phái bộ rút lực lượng khỏi Darfur.

Đại sứ Dian Triansyah Djani, Trưởng Phái đoàn thường trực Indonesia tại Liên hợp quốc đã đọc phát biểu chung của Indonesia và Việt Nam. Hai nước ASEAN cùng khẳng định ủng hộ tiến trình chuyển tiếp ở Sudan.

Việt Nam và Indonesia ghi nhận tình hình Sudan nói chung và Darfur nói riêng còn nhiều thách thức về kinh tế, nhân đạo và kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường tạo điều kiện cho Sudan được tiếp cận viện trợ tài chính quốc tế.

Hai nước đánh giá cao vai trò của Liên hợp quốc, AU và các nước khu vực trong thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Sudan, đặc biệt là vai trò trung gian hòa giải của nước láng giềng Nam Sudan; đồng thời bày tỏ mong muốn quá trình chuyển giao từ UNAMID sang UNITAMS sẽ bảo đảm duy trì những thành quả đạt được thời gian qua, vì hòa bình và phát triển lâu dài ở Sudan.

Phái bộ hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của Liên hợp quốc ở Sudan (UNITAMS) được thành lập theo Nghị quyết 2525 của Hội đồng Bảo an được thông qua vào tháng 6/2020. Đây là phái bộ chính trị với nhiệm vụ chính hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp, quản trị nhà nước ở Sudan, hỗ trợ tiến trình hòa bình và việc huy động nguồn lực cho kinh tế và phát triển và phối hợp hỗ trợ nhân đạo.

Phái bộ Hỗn hợp của Liên hợp quốc-AU tại Darfur (UNAMID) được thành lập ngày 31/7/2007 theo Nghị quyết 1769 của Hội đồng Bảo an, là phái bộ gìn giữ hòa bình với chức năng bảo vệ thường dân, tạo điều kiện cho việc triển khai công tác nhân đạo ở Darfur (Sudan) và hỗ trợ tiến trình đàm phán giữa Chính phủ Sudan và các nhóm vũ trang ở Darfur.

Nhân sự của UNAMID hiện có hơn 6.500 người, trong đó khoảng hơn 4.000 quân nhân và 2.500 cảnh sát. UNAMID dự kiến sẽ chấm dứt nhiệm vụ vào ngày 31/12./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục