Việt Nam và Hoa Kỳ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực điện khí

Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) đã công bố ý định hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát triển dự án Cảng Khí hóa lỏng ở khu vực phía Nam.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 6/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phái bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về hợp tác Hoa Kỳ-Việt Nam trong lĩnh vực điện khí và phát triển hạ tầng cho ngành khí hóa lỏng (LNG) ở Việt Nam.

Đồng thời, Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) đã công bố ý định hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát triển dự án Cảng Khí hóa lỏng ở khu vực phía Nam.

Cụ thể, USTDA sẽ tài trợ nghiên cứu khả thi cho dự án, hỗ trợ EVN đánh giá tính khả thi và lựa chọn các vị trí chiến lược để phát triển kho cảng, gồm cảng biển nước sâu, kho chứa LNG, nhà máy tái khí hóa và các hạ tầng liên quan... từ đó, giúp EVN lập kế hoạch sử dụng khí LNG cung cấp cho các dự án điện khí và lên kế hoạch chuẩn bị kho cảng, dịch vụ tàu vận tải và hạ tầng.

Ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết việc ban hành chính sách năng lượng cùng các quyết định liên quan không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với nhiều quốc gia. Tương tự như Hoa Kỳ và một số quốc gia khác, Việt Nam cần phải thông qua các quyết định quan trọng và khó khăn trong lĩnh vực năng lượng.

Những lựa chọn đầu tư của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến nền an ninh năng lượng, chất lượng môi trường và khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng. Chính vì vậy, sự sẵn sàng hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Năm ngoái, lần đầu tiên kể từ năm 1957 đến nay, Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia xuất khẩu ròng LNG và sẽ trở thành một trong những nhà xuất khẩu khí LNG lớn nhất thế giới trong những năm sắp tới. Các công ty năng lượng Hoa Kỳ đang phối hợp với các đối tác trong nước để xúc tiến các hợp đồng nhiên liệu lớn cho khí LNG và phát triển năng lực điện khí của Việt Nam.

Đặc biệt, tại Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy hợp tác song phương trong khuôn khổ sáng kiến Tăng cường phát triển và tăng trưởng thông qua năng lượng (EDGE). Đây là cơ hội to lớn để tăng cường an ninh năng lượng thông qua việc sử dụng các công nghệ hiện đại, sạch, thông minh và tiên tiến tại Việt Nam.

[Hợp tác kinh tế là nền tảng, động lực cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ]

Thông qua EDGE Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cung cấp nhiều sự hỗ trợ cả về tài chính lẫn chuyên môn cũng như nâng cao năng lực. Cụ thể, USTDA đã tài trợ cho Việt Nam hàng triệu đô la Mỹ (USD) để triển khai các dự án nghiên cứu khả thi trong lĩnh vực phong điện, lưới điện thông minh và nhà máy điện mặt trời... Những khoản viện trợ này sẽ hỗ trợ việc đánh giá và lựa chọn địa điểm đồng thời hỗ trợ đánh giá việc xây dựng kế hoạch và sử dụng khí hóa lỏng làm nhiên liệu phát điện, sự phát triển hiệu quả của hạ tầng cung cấp năng lượng.

USAID đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch Phát triển Năng lượng số 8, giúp Việt Nam thiết lập lộ trình đảm bảo an ninh năng lượng.

Cùng với đó, USAID cũng hợp tác với Việt Nam xây dựng cơ chế thỏa thuận mua bán điện trực tiếp đầu tiên, vốn sẽ cho phép các nhà máy phát điện tư nhân ký hợp đồng trực tiếp mua bán điện từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Sáng kiến EDGE Việt Nam là tầm nhìn hướng đến mục tiêu hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy hiệu quả năng lượng, cải thiện chất lượng không khí và giảm nhu cầu nhập khẩu than đá. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.

Ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết Việt Nam đang trong giai đoạn bước ngoặt của quá trình chuyển đổi lĩnh vực năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc của quốc gia vào các hệ thống nhiệt điện than gây ô nhiễm và lạc hậu. Nền tảng này sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam nhanh chóng ứng dụng các công nghệ năng lượng sạch, hiện đại như điện mặt trời, điện gió và điện khí tự nhiên...

Song song đó, với lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam được đánh giá là có nguồn năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió dồi dào, nhất là tại khu vực phía Nam - nơi nhu cầu năng lượng rất lớn và đang không ngừng tăng trưởng.

Tuy nhiên, những nguồn năng lượng tái tạo này rất thất thường trong tự nhiên, chỉ có thể sản xuất điện năng khi có nắng và có gió. Do đó, Việt Nam phải xem xét kỹ lưỡng trong lựa chọn các công nghệ phát điện khác nhau để có thể xây dựng kế hoạch và lựa chọn đầu tư một hệ thống năng lượng đồng bộ và đa dạng, dưới sự hỗ trợ của hệ thống lưới điện thông minh.

Thống kê cho thấy với mức độ gia tăng nhu cầu năng lượng lên đến 8% năm 2018, các tỉnh phía Nam của Việt Nam đang phải đối mặt những thách thức hết sức to lớn trong việc duy trì đà tăng trưởng.

Mặt khác, trong 3 năm tới, các tỉnh phía Nam có khả năng sẽ phải đối mặt với với thiếu hụt điện ở mức 1,2 đến 1,6 tỷ kWh mỗi năm. Trong khi đó, mức tiêu dùng điện bình quân đầu người hàng năm của Việt Nam chỉ ở mức 1.600 kWh.

Để bù đắp khoản thiếu hụt này, vùng Tây Nam của Việt Nam có nhiệm vụ đến năm 2030 phải xây dựng thêm 16 nhà máy nhiệt điện, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng, đồng nghĩa với hơn 1 nhà máy một năm. Chính vì vậy, các dự án trong lĩnh vực LNG tại Việt Nam sẽ tiếp tục được tập trung phát triển tại các tỉnh phía Nam.

Trước bối cảnh này, mối quan tâm chung của Việt Nam và Hoa Kỳ là các hoạt động hợp tác tiếp theo để đạt được mục đích vì lợi ích cho cả hai quốc gia.

Đồng thời, sự hợp tác với các công ty Hoa Kỳ chia sẻ chiến lược và thảo luận những kinh nghiệm thực tiễn vì lợi ích chung có vai trò quan trọng trong xây dựng một môi trường kinh tế khuyến khích xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ cũng như đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam.

Ông Ian Steff, quyền Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ phụ trách lĩnh vực Sản xuất, khuyến khích các chủ dự án lập kế hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng Việt Nam, sử dụng các phương pháp tính toán chi phí vòng đời dự án có tính đến tổng chi phí sở hữu, vận hành và duy trì cơ sở hạ tầng trong suốt vòng đời. Điển hình như bao gồm cả đầu vào hữu hình là nguồn nguyên liệu và đầu ra vô hình là tác động môi trường.

Hiện nay, mối quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ đang trong giai đoạn phát triển hơn bao giờ hết nên sự có mặt của các công ty hàng đầu của Hoa Kỳ đã khẳng định sự ủng hộ và hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam trong việc giải quyết các mục tiêu về năng lượng.

Song song đó, sự tăng trưởng của thị trường năng lượng Việt Nam là cơ hội lớn cho các công ty xuất khẩu năng lượng và các sản phẩm liên quan đến năng lượng của Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ năng lượng tiên tiến và khí tự nhiên hóa lỏng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục