Việt Nam chính thức hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021 với lễ hạ cờ được tổ chức nhanh gọn vào trưa 31/12 (giờ địa phương) tại trụ sở Liên hợp quốc.
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 với sự lây lan nhanh chóng của biến thể mới Omicron khiến đại diện các nước thành viên Liên hợp quốc không thể trực tiếp tham dự buổi lễ, nhưng sự ủng hộ, tin tưởng và đồng hành của các nước dành cho Việt Nam trong suốt hai năm qua là những lời chúc mừng và sự ghi nhận giá trị nhất.
Nhìn lại chặng đường hai năm hoạt động không mệt mỏi tại Hội đồng Bảo an, trong bối cảnh đại dịch hoành hành với các cuộc xung đột bạo lực xảy ra ở nhiều nơi, Việt Nam có thể tự hào đã đóng góp một phần không nhỏ vào nỗ lực chung xây dựng và gìn giữ hòa bình trên toàn cầu, không phụ lòng tin của cộng đồng quốc tế đã bầu cho Việt Nam vào cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193 hồi tháng 6/2019.
[Đại sứ Đặng Đình Quý: Việt Nam đã nâng tầm đối ngoại đa phương tại Liên hợp quốc]
Được tin tưởng như vậy cũng chính là áp lực không hề nhỏ đối với Việt Nam dù Việt Nam đã có một nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an đầu tiên rất thành công vào năm 2008-2009.
Đại sứ Barbara Woodward, Trưởng phái đoàn thường trực Vương quốc Anh tại Liên hợp quốc, nhận định những đóng góp của Việt Nam trong hai năm qua tại Hội đồng Bảo an hết sức có giá trị bởi Việt Nam phải trực tiếp tham gia giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, nhưng không phải lúc nào cũng dễ nhìn thấy ở bề nổi, ví dụ như vấn đề vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh, bảo vệ dân thường trong xung đột, hay hành động giải quyết vấn đề bom mìn.
Tất cả những vấn đề này đều rất quan trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới.
Bà cho rằng nếu không có Việt Nam thúc đẩy những vấn đề này, rất có thể Hội đồng Bảo an lại đi chệch hướng trong việc nhìn nhận và giải quyết những vấn đề cấp thiết như thế.
Bà cũng khẳng định Việt Nam và các nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an đã tích cực cùng soạn thảo nghị quyết, cùng chia sẻ gánh nặng trách nhiệm công việc với các nước ủy viên thường trực.
Chính vì vậy, từng nước trong Hội đồng Bảo an đã phát huy được tiếng nói riêng, đóng góp vào sức mạnh chung của Hội đồng Bảo an.
Đại sứ T.S Tirumurti, Trưởng phái đoàn thường trực Ấn Độ tại Liên hợp quốc, đánh giá Việt Nam đã đóng vai trò rất tích cực trong Hội đồng Bảo an, đặc biệt trong hai tháng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an. Việt Nam đã thúc đẩy được các vấn đề quan trọng như bảo vệ cơ sở hạ tầng trong xung đột, vấn đề bom mìn, hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực.
Ông cho rằng Việt Nam, với tư cách thành viên ASEAN, đã đóng góp quan điểm mang tính khu vực hết sức quan trọng tại các phiên thảo luận của Hội đồng Bảo an, nhất là trong vấn đề Myanmar.
Ông cho rằng các nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an như Ấn Độ hay Việt Nam luôn nỗ lực đóng vai trò làm cầu nối để các nước ủy viên thường trực giảm bớt bất đồng, tìm được tiếng nói chung; đồng thời cũng hợp tác với các nước ủy viên thường trực thật tốt để tạo được sự đối trọng cân bằng, từ đó đưa ra được quan điểm, góc nhìn của khu vực mà mình đại diện vào các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong khi đó, Đại sứ Enrique A. Manalo, Trưởng phái đoàn Phillipines tại Liên hợp quốc, đánh giá việc Việt Nam trúng cử và sau đó đảm nhiệm vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an hai năm qua không chỉ là một bước phát triển mạnh mẽ đối với riêng Việt Nam mà còn đối với cả cộng đồng ASEAN.
Năm 2020, khi hiệp hội ASEAN có cả Việt Nam và Indonesia cùng là ủy viên không thường trực thì vị thế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được nâng tầm lên rất nhiều, ASEAN đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc góp phần giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.
Ông nhận định Việt Nam - với vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, nhất là khi làm Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an - đã thực sự mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng các nước ASEAN, đồng thời đóng góp không nhỏ giúp thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Liên hợp quốc và ASEAN.
Ông khẳng định Việt Nam đã gây dựng được tầm ảnh hưởng thực sự khi Hội đồng Bảo an thảo luận các vấn đề quốc tế, nhất là các vấn đề của khu vực châu Á. Với vai trò làm cầu nối để truyền tải quan điểm, tiếng nói của các nước ASEAN trong vấn đề Myanmar và nhiều vấn đề khác tới Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã nâng vị thế của chính mình lên một tầm cao mới.
Đại sứ Abdou Abarry - Trưởng phái đoàn thường trực Niger tại Liên hợp quốc, nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 12/2021 - cho biết các nước châu Phi trong Hội đồng Bảo an rất cảm ơn sự hỗ trợ và ủng hộ của Việt Nam khi Hội đồng Bảo an thảo luận và đưa ra các quyết sách liên quan tới các vấn đề của châu Phi.
Ông cũng đánh giá cao Việt Nam đã luôn có tiếng nói mạnh mẽ tại Hội đồng Bảo an trong những vấn đề mang tính cấp thiết như khủng hoảng nhân đạo, tình trạng nước biển dâng hay xung đột mới nổi.
Ông bày tỏ rất ấn tượng về những gì Việt Nam đã làm được ngay trong tháng đầu tiên tham gia Hội đồng Bảo an, khi Việt Nam ngay lập tức phải đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jean- Pierre Lacroix, người đứng đầu các hoạt động hòa bình của Liên hợp quốc, cũng dành nhiều lời khen ngợi cho Việt Nam bởi những đóng góp của Việt Nam kể từ khi tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc vào năm 2014, đặc biệt là những nỗ lực trong suốt hai năm qua khi Việt Nam làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an
Ông đánh giá cao tính hiệu quả của việc Việt Nam tham gia cung cấp bệnh viện dã chiến cấp 2 ở Nam Sudan bởi đây chính là năng lực mà Liên hợp quốc cần có và cần các nước thành viên Liên hợp quốc đóng góp, đặc biệt ở những khu vực xung đột nguy hiểm.
Phó Tổng thư ký tin tưởng Việt Nam có đủ năng lực để tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào công tác gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong những năm tới.
Có thể thấy, hai năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến, sáng kiến vào cơ chế quyền lực nhất về an ninh, hòa bình, hiện thực hóa hơn nữa chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và hội nhập chủ động của Đảng và Nhà nước ta.
Với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm thứ hai ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, Việt Nam đã đáp ứng kỳ vọng của bạn bè quốc tế vốn luôn ủng hộ và tin tưởng.
Thành công của Việt Nam trong nhiệm kỳ này một lần nữa làm sâu sắc thêm tình cảm và sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam, qua đó nâng cao hơn nữa hình ảnh và vị thế của nước ta trong mắt bạn bè quốc tế./.