Trên cơ sở những thành tựu quan trọng đã đạt được, Hải quan Việt Nam và Hải quan Hàn Quốc đã quyết định xây dựng và ký Nghị định thư nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu hợp tác về quản lý hải quan theo phương thức hiện đại.
Theo đó, hai bên sẽ chia sẻ những thành tựu trong việc áp dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng của nền công nghiệp 4.0 bên cạnh việc duy trì hợp tác hải quan theo phương thức truyền thống đã quy định tại Hiệp định 1995.
Cụ thể, nhân dịp chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đang kỷ niệm trọng thể 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/12/1992-12/12/2022), ngày 5/12 Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn và Cao ủy Hải quan Hàn Quốc Yoon Taesik đã ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan.
[Hàn Quốc nới lỏng các quy định để thúc đẩy đầu tư nước ngoài]
Hiệp định sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc về thẩm quyền đàm phán, ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên, tiết kiệm thời gian và nguồn lực đàm phán hai văn kiện cấp Chính phủ độc lập về công nhận lẫn nhau doanh nghiệp ưu tiên và trao đổi dữ liệu hải quan điện tử.
Trong bối cảnh sự phát triển của thương mại toàn cầu, xu hướng áp dụng công nghệ trong quản lý hải quan theo phương thức hiện đại và thực tiễn hợp tác hải quan giữa hai bên đã mở rộng về cả phạm vi và mức độ hợp tác trong lĩnh vực điều tra chống buôn lậu, trao đổi dữ liệu hải quan điện tử… Trên cơ sở đó, hai cơ quan đã thống nhất quan điểm cần phải nâng cấp, cập nhật các nội dung hợp tác mới trong khi vẫn muốn giữ lại các nội dung hợp tác truyền thống.
Thống kê từ Hải quan Việt Nam, chỉ trong 11 tháng của năm 2022, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt mốc 80,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 22,5 tỷ USD và nhập khẩu 58 tỷ USD. Với mức thực hiện này, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Dự kiến, thương mại song phương sẽ tiến sát mốc 90 tỷ USD vào cuối năm nay.
Không chỉ thể hiện ở con số tăng trưởng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc còn có tỷ lệ hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA song phương và đa phương cao so với các thị trường khác.
Trong đó, tỷ lệ sử dụng ưu đãi theo C/O VK đạt 5,8 tỷ USD, đạt 26,35%, mẫu AK đạt 5,4 tỷ USD, chiếm 24,58%. Tổng tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt gần 51% trong tổng kim ngạch xuất sang thị trường này trong năm 2021, chỉ sau Ấn Độ và Chi Lê.
Đại diện Hải quan Việt Nam nhấn mạnh: “Việc ký Nghị định thư sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và cơ chế hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi thông tin điện tử giữa hai cơ quan Hải quan nhằm phát hiện và phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật hải quan; đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hải quan trong bối cảnh đất nước Hàn Quốc và Hải quan Hàn Quốc đang tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng thành tựu của công nghiệp 4.0.”
Đặc biệt, nội dung quy định hiệu lực của Nghị định thư và công nhận Nghị định thư là một phần không tách rời của Hiệp định đã ký năm 1995.
Theo quy định của Nghị định thư, các bên tham gia có quyền và nghĩa vụ trong trao đổi thông tin tờ khai hải quan và chứng nhận xuất xứ điện tử đối với hàng hóa giao thương giữa hai nước. Đây là quyền cũng đồng thời là nghĩa vụ nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và kiểm soát hải quan mà các cơ quan Hải quan thực hiện theo khuyến nghị của Tổ chức Hải quan Thế giới trong xu thế kết nối các cơ quan Hải quan với nhau. Ngoài ra, lợi ích giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong công nhận lẫn nhau doanh nghiệp ưu tiên là tương đối cân bằng.
Trước đó, Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đại hàn Dân quốc về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan được ký ngày 10/3/1995 (sau đây gọi tắt là Hiệp định 1995) đã khẳng định góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại, đầu tư giữa hai nước./.