Việt Nam và Đức trao đổi về các biện pháp phòng chống tham nhũng

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đẫn đầu đoàn công tác đã làm việc tại Đức để trao đổi với các cơ quan liên quan sở tại về các biện pháp phòng chống tham nhũng cũng như các khuôn khổ hợp tác.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong làm việc với Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp liên bang Đức Angelika Schlunck. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, từ ngày 1-3/7, đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong dẫn đầu, đã làm việc tại Đức để trao đổi với các cơ quan liên quan sở tại về các biện pháp phòng chống tham nhũng cũng như các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương.

Tại cuộc làm việc của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong với Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp liên bang Đức Angelika Schlunck, hai bên đã trao đổi về cơ cấu tổ chức, một số vấn đề chuyên môn và hợp tác trong các khuôn khổ đa phương như Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).

[Việt Nam-Đức hỗ trợ và ủng hộ nhau chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế]

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thanh tra, phòng và chống tham nhũng, với sự tham gia tích cực của tất cả các bộ ngành.

Về cơ cấu tổ chức, hai bên đã trao đổi những nét tương đồng và khác biệt trong cơ cấu tổ chức và hoạt động của mỗi bên.

Tại Đức, không có cơ quan tương đương như Thanh tra Chính phủ ở Việt Nam mà việc phòng chống tham nhũng chủ yếu được giao cho hai bộ là Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp liên bang, trong đó Bộ Nội vụ phụ trách công tác phòng ngừa tham nhũng và Bộ Tư pháp phụ trách khâu pháp luật hình sự về phòng chống tham nhũng.

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong đã đề cập tới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ - một trong 9 cơ quan nội chính của Việt Nam, trong đó Thanh tra Chính phủ là một trong những cơ quan chủ chốt trong phòng chống tham nhũng.

Hai bên cũng đi sâu vào trao đổi một số nội dung chuyên môn trong phòng chống tham nhũng, như thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, việc xác thực kê khai tài sản của cán bộ và việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Phía Đức cho biết việc kê khai tàn sản ở Đức không được thực hiện đại trà mà cá nhân phải kê khai và thông báo rõ khi có vụ việc liên quan, chẳng hạn như liên quan tới lợi ích hoặc vấn đề xung đột lợi ích.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Đức. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Về thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế tệ tham nhũng, phía Đức hầu hết đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong triển khai thủ tục và dịch vụ ở các cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, những giao dịch lớn như giao dịch bất động sản không được sử dụng tiền mặt.

Đức cũng đang cùng các đối tác châu Âu nghiên cứu áp dụng chung toàn khối việc không dùng tiền mặt với những giao dịch trên 15.000 euro.

Bên cạnh đó, hai bên cũng trao đổi việc hợp tác trong khuôn khổ đa phương như Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng.

Trước đó, Đoàn cũng đã tới làm việc và trao đổi với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nội vụ Đức về công tác phòng chống tham nhũng.

Theo Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong, các cuộc trao đổi giữa hai bên góp phần nâng cao sự biểu biết, chia sẻ về các lĩnh vực cùng quan tâm cũng như các biện pháp triển khai thực hiện ở mỗi nước theo đặc thù riêng.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Đức, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng đã tới thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Đức.

Tham tán Công sứ Chu Tuấn Đức đã báo cáo sơ lược với Đoàn về hợp tác song phương cũng như tình hình bà con cộng đồng tại Đức./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục