Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Đức, ngày 24/11 tại Berlin, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long đã có các cuộc gặp với lãnh đạo Bộ Tư pháp Đức nhằm thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa hai nước trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại cuộc gặp với Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết trong thời gian qua, hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Đức đạt được nhiều kết quả tốt.
Hai nước đã duy trì và phát triển chương trình Đối thoại Nhà nước pháp quyền và ngày càng thu hút được nhiều đối tác của hai nước tham gia, số lượng hoạt động được triển khai trên thực tế tăng đều qua các năm. Hợp tác trong nhiều lĩnh vực như hộ tịch, quốc tịch, bổ trợ tư pháp, đào tạo, nghiên cứu, tương trợ tư pháp dân sự và thương mại..., cũng được thúc đẩy.
Ngoài ra, các thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với ngành tư pháp bang Hessen và bang Nordrhein-Westfalen thường xuyên được cập nhật, góp phần bổ sung cho chương trình Đối thoại Nhà nước pháp quyền giữa hai nước.
Về chương trình hợp tác Đối thoại Nhà nước pháp quyền giữa Việt Nam và Đức, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết chương trình này đã được thực hiện từ năm 2009, đến nay đã trải qua 4 giai đoạn (mỗi giai đoạn 3 năm) và đã bước sang giai đoạn thứ 5.
Kết quả thực hiện chương trình được đánh giá cao, thường xuyên được đề cập trong Kế hoạch hành động thực hiện Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức và biên bản họp Nhóm điều hành chiến lược Việt Nam-Đức. Đặc biệt, tháng 9/2020, chương trình Đối thoại Nhà nước pháp quyền đã được đề cập trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Đức.
Ngày 7/10/2022, hai Bộ Tư pháp đã tổ chức lễ ký trực tuyến "Chương trình hợp tác 3 năm giai đoạn 2022-2025." Để thực hiện chương trình này, hai bên đã thống nhất ký Kế hoạch Hợp tác năm 2022-10/2023, với sự tham gia của 18 đối tác Đức và 15 cơ quan, cơ sở đào tạo lớn của Việt Nam; tổng số hoạt động được phê duyệt lên tới 55 hoạt động.
Các hoạt động của chương trình tập trung vào trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật với nội dung trải đều trên một số lĩnh vực chính như pháp luật hình sự, dân sự; pháp luật tố tụng hình sự, dân sự; pháp luật kinh tế, hành chính; thực thi một số điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế. Hợp tác đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, bao gồm cả đào tạo hàn lâm, nghiên cứu và đào tạo các nghề tư pháp, là một trong những nội dung hợp tác trọng tâm giữa hai bên trong thời gian tới.
[Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng]
Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Bộ trưởng Buschmann tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình Đối thoại Nhà nước pháp quyền, phù hợp với lợi ích của hai nước; tăng cường hợp tác về tư pháp và pháp luật trong khuôn khổ Hội nghị La Haye về tư pháp quốc tế; hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, gia nhập và thực thi các công ước quốc tế về hợp tác tư pháp, như Công ước tống đạt, Công ước thu thập chứng cứ, Công ước La Haye năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em...
Bộ trưởng cũng đề nghị phía Đức thường xuyên cập nhật thông tin các quy định pháp luật về quốc tịch của Đức để phía Việt Nam kịp thời hướng dẫn, giải quyết các vấn đề liên quan đến quốc tịch của công dân Việt Nam, đặc biệt là những người sinh sống, định cư tại Đức.
Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Đức và Việt Nam nói chung, hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp nói riêng trong thời gian qua. Bộ trưởng Buschmann khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà Đức ưu tiên tăng cường hợp tác.
Trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, tiềm năng hợp tác của hai nước còn rất lớn. Bộ Tư pháp Đức rất coi trọng chương trình Đối thoại Nhà nước pháp quyền giữa hai quốc gia và cho rằng chương trình hợp tác 3 năm giai đoạn 2022-2025 đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng, nhưng phía Đức sẽ tích cực hỗ trợ để triển khai chương trình này.
Bộ Tư pháp Đức cũng sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai bên như đề nghị của Bộ Tư pháp Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực hợp tác đào tạo, bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực thi pháp luật.
Bộ trưởng Buschmann tin tưởng rằng chuyến công tác của Bộ trưởng Lê Thành Long tới Đức sẽ giúp sự hợp tác giữa hai bên đạt nhiều kết quả hơn nữa trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Lê Thành Long, Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp Đức Angelika Schlunck thể hiện sự vui mừng vì hợp tác pháp luật và tư pháp, một trong những lĩnh vực hợp tác hết sức quan trọng giữa Đức và Việt Nam, luôn được cả hai bên chú trọng thúc đẩy và đã đạt được nhiều kết quả tốt, mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Trong chương trình 3 năm giai đoạn 2022-2025 được ký kết tháng 10 vừa qua, hai bên đã thống nhất rất nhiều chủ đề hợp tác, cả trong lĩnh vực dân sự, kinh tế cũng như hình sự. Đây sẽ là cơ sở để hai bên tiếp tục làm việc cùng nhau chặt chẽ hơn. Bộ Tư pháp Đức sẽ tạo mọi điều kiện để các cơ quan liên quan của Đức tăng cường hỗ trợ phía Việt Nam theo chương trình hợp tác.
Cũng tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Lê Thành Long và Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp Đức Angelika Schlunck đã trân trọng trao văn kiện chương trình hợp tác 3 năm giai đoạn 2022-2025 đã được hai bên ký kết trực tuyến hồi tháng 10. Bộ trưởng Lê Thành Long cũng trao tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tư pháp" cho ông Christian Lange - nguyên Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp liên bang Đức, hiện là Chủ tịch Viện Đức về Hợp tác pháp luật quốc tế (IRZ); và bà Anne Katharina Zimmermann - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế về pháp luật, Bộ Tư pháp liên bang Đức.
Ông Christian Lange và bà Anne Katharina Zimmermann đã có những đóng góp quan trọng cho việc thực hiện chương trình hợp tác Đối thoại Nhà nước pháp quyền cũng như duy trì, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ngành tư pháp Việt Nam và các đối tác Đức.
Trong chuyến công tác tới Đức, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đã có các buổi làm việc với Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD), Học viện Tư pháp Đức, Bộ Tư pháp bang Hessen, Tổ chức Hỗ trợ đại học thế giới Đức (WUS) và Đại học Tổng hợp Frankfurt.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng trao tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tư pháp" cho Giáo sư Juergen Walter Simon, một trong những giáo sư đầu tiên của Đức đã đến hỗ trợ Bộ Tư pháp Việt Nam và có nhiều đóng góp cho hoạt động hợp tác giữa ngành tư pháp hai nước, cũng như cho lĩnh vực đào tạo của ngành tư pháp Việt Nam từ năm 1991.
Bộ trưởng cũng dành thời gian tiếp và trao đổi thân tình với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Đức./.