Ngày 6/6, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Botswana Lê Huy Hoàng đã trình Thư ủy nhiệm lên Tổng thống Cộng hòa Botswana Seretse Khama Ian Khama tại Dinh Tổng thống ở thủ đô Gaborone.
Tại buổi lễ, Đại sứ Lê Huy Hoàng chúc mừng những thành tựu to lớn mà nhân dân Botswana dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ Botswana cầm quyền (DBP) và cá nhân Tổng thống Seretse Khama Ian Khama đã đạt được trong nhiều năm qua, đóng góp cho hòa bình và phát triển tại Châu Phi và trên thế giới.
Đại sứ đã chuyển lời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước mời Tổng thống Seretse Khama Ian Khama sang thăm Việt Nam, khẳng định mong muốn và quyết tâm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam không ngừng thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống với Chính phủ và nhân dân Botswana.
Đại sứ Lê Huy Hoàng vận động Chính phủ Botswana công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Chấp hành UNESCO, Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Đại sứ đã cập nhật những diễn biến gần đây về tình hình Biển Đông, những biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác hai nước, đặc biệt về kinh tế thương mại, giáo dục, nông nghiệp... để Tổng thống và Chính phủ Botswana tiếp tục có các hình thức thúc đẩy hỗ trợ.
Tổng thống Seretse Khama Ian Khama bày tỏ sự khâm phục đối với lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam, mong sẽ có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam sau cuộc tổng tuyển cử tại Botswana tháng 10 tới.
Tổng thống chúc mừng Đại sứ Lê Huy Hoàng trên cương vị mới và hy vọng Đại sứ sẽ tích cực làm cầu nối đóng góp cho việc củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa chính phủ và nhân dân hai nước.
Tổng thống mong hai nước sớm hoàn tất ký Hiệp định Hợp tác về Kinh tế, Văn hóa Khoa học Kỹ thuật, đồng thời sớm trao đổi về việc triển khai các dự án nông nghiệp theo mô hình hợp tác ba bên tại Botswana.
Trao đổi với Đại sứ Lê Huy Hoàng về tình hình Biển Đông, Tổng thống Seretse Khama Ian Khama nói rõ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là rất đáng lo ngại.
Tổng thống nhấn mạnh quan điểm của Botswana cho rằng việc sử dụng chính sách pháo hạm đe dọa, khiêu khích đối với các nước nhỏ là hành động lỗi thời, và khẳng định mọi tranh chấp đều phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, theo các chuẩn mực phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Botswana Phandu Skelemani đã tiếp Đại sứ Lê Huy Hoàng, trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ chính trị ngoại giao giữa hai nước. Bộ trưởng Phandu Skelemani chúc mừng việc Việt Nam đang là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2014-2016).
Về quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, Bộ trưởng Phandu Skelemani hứa sẽ trao đổi với Bộ Thương mại và một số cơ quan liên quan để Botswana có thể sớm tuyên bố ủng hộ Việt Nam./.