Việt Nam và Canada trước cơ hội hợp tác lớn trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân

Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Canada-ASEAN khẳng định Canada có thể hỗ trợ Việt Nam hay các quốc gia ASEAN khác đạt được mục tiêu giảm phát thải thông qua năng lượng hạt nhân.
(Nguồn: carboncredits)

Điện hạt nhân đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế Canada, không chỉ từ góc độ năng lượng mà còn trên phương diện thương mại vì đây là sản phẩm xuất khẩu quan trọng của quốc gia Bắc Mỹ.

Trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Canada rất quan tâm tới mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu công nghệ năng lượng hạt nhân.

Chủ trương này có thể phù hợp với Việt Nam, quốc gia đang khởi động lại chương trình điện hạt nhân nhằm giải quyết bài toán năng lượng và hoàn thành mục tiêu giảm phát thải.

Từ nhiều năm nay, Canada đã xuất khẩu thành công công nghệ lò phản ứng hạt nhân Candu (Canada Deuterium Uranium) và urani sang nhiều quốc gia. Công nghệ lò phản ứng hạt nhân Candu sử dụng nước nặng làm chất điều tiết hạ nhiệt và urani tự nhiên làm nhiên liệu để tạo ra điện.

Canada cũng đã phát triển được công nghệ lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3 mang tên Candu Monark thân thiện hơn với môi trường, có công suất lớn, dễ vận hành và bảo trì, cũng như chi phí thấp hơn so với những thế hệ trước.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Canada, nguyên Phó Thủ tướng Canada, nguyên Thủ hiến Quebec Jean Charest khẳng định Xứ sở lá phong hiện sở hữu công nghệ Candu độc đáo. Đây là lò phản ứng hạt nhân an toàn nhất “mà bạn có thể tìm thấy trên thị trường” và công nghệ này giờ đây đã phát triển sang thế hệ mới là Candu Monark.

Ông Charest cho rằng điện hạt nhân là một trong những lĩnh vực ưu tiên mà Canada và Việt Nam có thể hợp tác. Hai bên đang đứng trước cơ hội tốt để chia sẻ công nghệ này và xây dựng các lò phản ứng hạt nhân nhằm cung cấp cho nền kinh tế của mình một nguồn năng lượng sạch và không phát thải.
Để đạt được mục tiêu giảm phát thải, điện hạt nhân có thể là một trong những lựa chọn đúng đắn.

Ontario là ví dụ điển hình trong nỗ lực giảm phát thải khi ứng dụng thành công năng lượng hạt nhân.

Tỉnh bang này từng là nơi ô nhiễm bậc nhất do sử dụng điện than, nhưng đến năm 2014, Ontario đã loại bỏ hoàn toàn nguồn năng lượng này, giúp cắt giảm phát thải tới 45 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Công nghiệp hạt nhân còn góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm có đãi ngộ cao cho Ontario, đóng góp khoảng 17 tỷ CAD (khoảng 11,79 tỷ USD) mỗi năm vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và là một trong những lĩnh vực công nghệ xuất khẩu trọng điểm của tỉnh bang này.

Ontario hiện có 18 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, chiếm 13% tổng sản lượng điện năng của Canada, góp phần đưa tỉnh bang này trở thành một trong những địa phương sạch và đi đầu về công nghệ sạch ở đất nước Bắc Mỹ.

Hiện nay, Canada đang nghiên cứu triển khai lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ Candu SMR sử dụng công nghệ lò phản ứng thế hệ thứ 3. Các tính năng an toàn tiên tiến của Candu SMR là cải thiện độ bền địa chấn và áp suất cao hơn, nguy cơ rò rỉ thấp, hệ thống điều khiển kỹ thuật số tiên tiến, có khả năng phân tách để bảo vệ khỏi những rủi ro như động đất hoặc các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Những tính năng kỹ thuật mới này đều được áp dụng đối với 4 lò phản ứng đang được xây mới để thay thế cho các lò phản ứng sắp hết hạn ở Ontario.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Phó Chủ tịch cấp cao Carl Marcotte của Tập đoàn Candu Energy cho biết lò phản ứng cỡ nhỏ Candu SMR “là những gì mà Canada đang đầu tư cho thế hệ công nghệ hạt nhân tiếp theo.”

Candu SMR là mẫu lò phản ứng rất nhỏ, với công suất đầu ra thấp hơn, và cũng sở hữu kết cấu đơn giản hơn, với lõi được chế tạo sẵn tại nhà máy để có thể vận chuyển tới nơi lắp đặt.

Canada đang đi tiên phong trong việc phát triển các lò phản ứng cỡ nhỏ và thậm chí lò phản ứng siêu nhỏ, phù hợp với nhiều yêu cầu như một thị trấn nhỏ hay một doanh nghiệp nhỏ. Đây là những điểm phù hợp với Việt Nam, nơi có thể triển khai loại lò phản ứng nhỏ và siêu nhỏ.

Lợi thế trước hết của những mô hình lò phản ứng này là nhỏ gọn và có tính linh hoạt hơn so với lò phản ứng hạt nhân thông thường. Candu SMR đủ nhỏ để có thể chế tạo được trong nhà máy và vận chuyển bằng các phương tiện thông thường.

Thiết kế của nó cũng cho phép triển khai được ở nơi có lưới điện độc lập, lưới điện nhỏ, các khu vực ở xa ngoài phạm vi lưới điện chung, cũng như cho phép các nhà máy điện hạt nhân có thể mở rộng công suất bằng cách bổ sung lò phản ứng khi nhu cầu tăng lên.

Candu SMR cũng rẻ hơn khi sản xuất hàng loạt và dễ triển khai hơn, giúp tiết kiệm diện tích vì để tạo ra cùng lượng điện năng, năng lượng Mặt Trời cần nhiều mặt bằng hơn 100 lần và năng lượng gió cần nhiều đất hơn tới 500 lần

Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Canada-ASEAN Wayne Farmer nhấn mạnh quốc gia Bắc Mỹ nắm giữ toàn bộ các giải pháp từ đầu tới cuối như nhiên liệu, hậu cần, vận tải và kể cả con người là đội ngũ kỹ sư vận hành công nghệ Candu.

Trong tiến trình giảm phát thải, khí đốt và hạt nhân là 2 nguồn năng lượng cơ bản có thể thay thế cho than, vốn vẫn chiếm tới 70% trong tỷ trọng năng lượng ở châu Á.

Canada rất muốn đóng vai trò lớn hơn về công nghệ điện hạt nhân, cả với Việt Nam và những nước ASEAN khác quan tâm đến mục tiêu giảm phát thải carbon cũng như hợp tác với “Xứ sở lá phong” về nguồn cung cấp nhiên liệu sạch hơn.

Canada là một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong chính sách và đổi mới năng lượng, đồng thời ủng hộ nhiều con đường để giảm carbon thành công trong nhiều ngành công nghiệp.

Canada có thể đóng góp sự hỗ trợ và kiến thức cần thiết để giúp Việt Nam hay các quốc gia ASEAN khác đạt được mục tiêu giảm phát thải thông qua năng lượng hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục