Việt Nam và Canada còn nhiều tiềm năng mở rộng xuất nhập khẩu nông sản

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông sản Thực phẩm Canada cho rằng Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, còn tiềm năng lớn để mở rộng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada.
Việt Nam và Canada còn nhiều tiềm năng mở rộng xuất nhập khẩu nông sản ảnh 1Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông sản Thực phẩm Canada Lawrence MacAulay giới thiệu về món tôm hùm Canada. (Ảnh: Vietnam+)

Giao thương trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Canada đang ngày càng phát triển. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực cũng đã mở ra thêm nhiều cơ hội để tăng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản giữa hai quốc gia.

Ông Lawrence MacAulay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông sản Thực phẩm Canada đã trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về vấn đề này nhân dịp tới thăm Việt Nam.

Người dân Canada yêu thích nông sản Việt

- Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá thế nào về tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Canada?

Bộ trưởng Lawrence MacAulay: Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Do đó, có tiềm năng lớn để mở rộng xuất khẩu sang Canada.

Thực tế, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Canada rất ấn tượng. Hiện nay, Việt Nam đang là nước xuất khẩu ròng, tức là xuất khẩu sang Canada nhiều hơn là Canada xuất khẩu sang Việt Nam.

Năm 2022, giá trị nhập khẩu nông sản và hải sản của Canada từ Việt Nam là 879,2 triệu CAD, chiếm 1,3% tổng nhập khẩu nông sản và thực phẩm toàn cầu của Canada. Sự tăng trưởng này cho thấy người dân Canada yêu thích nông sản, hải sản của Việt Nam và chúng tôi kỳ vọng sự yêu thích đó sẽ tiếp tục gia tăng.

[Doanh nghiệp Việt nắm bắt xu hướng mới vào thị trường Canada]

Tuy nhiên, có một khía cạnh cần phải cải thiện để đảm bảo được sự tin tưởng người tiêu dùng vào chất lượng các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đó là tăng cường hơn nữa năng lực của cơ quan thanh tra thực phẩm, tương tự như kinh nghiệm  của Cơ quan Thanh tra Thực phẩm Canada (CFIA). CFIA đang đồng hành cùng với đối tác xây dựng năng lực cho các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc thực hiện các yêu cầu nghiêm ngặt đối với việc kiểm soát chất lượng và an toàn cho sản phẩm xuất khẩu.

Vậy những loại sản phẩm nào của Việt Nam được thị trường Canada ưa chuộng, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lawrence MacAulay: Năm 2022, hạt điều là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất, trị giá 108,9 triệu CAD, chiếm 12,4% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản và thực phẩm của Canada từ Việt Nam.

Các mặt hàng nhập khẩu chính khác gồm các loại hạt đã chế biến (51,8 triệu CAD, chiếm 5,9% thị phần), càphê (41,9 triệu CAD, chiếm 4,8% thị phần), hạt tiêu (23,7 triệu CAD, chiếm 2,7% thị phần), bột tiêu (17,2 triệu CAD, chiếm 2% thị phần).

Xin Bộ trưởng cho biết Canada đã hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng cũng như giúp nông sản Việt Nam có sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu?

Bộ trưởng Lawrence MacAulay: Cơ quan Thanh tra Thực phẩm Canada (CFIA) và các đối tác Việt Nam đã có mối quan hệ lâu dài và thành công. Sự hợp tác này bao gồm việc cung cấp các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ thông tin, giúp nâng cao hiểu biết về các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm và tạo thuận lợi cho việc thương mại.

Việt Nam và Canada còn nhiều tiềm năng mở rộng xuất nhập khẩu nông sản ảnh 2Ông Lawrence MacAulay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông sản Thực phẩm Canada .(Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, chúng tôi cũng có các hoạt động về chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm và đây là một cái quá trình hai chiều. Chúng tôi biết rằng Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực đảm bảo an toàn thực phẩm và chúng tôi cũng tiếp nhận những thông tin này để có thể học hỏi và hỗ trợ Việt Nam tốt hơn.

Việt Nam là thị trường trọng điểm

-  Thưa Bộ trưởng, Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada nhằm mục đích mở rộng thương mại, đầu tư và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Về lĩnh vực nông nghiệp, chiến lược này có ý nghĩa gì đối với hợp tác nông nghiệp Canada và Việt Nam?

Bộ trưởng Lawrence MacAulay: Theo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Canada sẽ thắt chặt thêm mối quan hệ hiện có với các đối tác đáng tin cậy như Việt Nam. Chúng tôi cũng cam kết mở Văn phòng Nông nghiệp và Thực phẩm Nông nghiệp đầu tiên tại Manila, Philippines, với chức năng thúc đẩy hợp tác với  toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Việt Nam và Canada còn nhiều tiềm năng mở rộng xuất nhập khẩu nông sản ảnh 3Hạt điều là sản phẩm Canada nhập khấu lớn nhất từ Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Văn phòng này sẽ nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác, thúc đẩy hợp tác kỹ thuật, thúc đẩy các cơ hội thương mại nông nghiệp và thắt chặt thêm các mối quan hệ kinh tế với khu vực.

Chúng tôi cũng sẵn sàng cởi mở để trao đổi, hỗ trợ Việt Nam trong bất kỳ lĩnh vực nào mà các bạn có nhu cầu như: Bảo vệ môi trường, giảm phát thải, tăng cường năng lực thanh tra thực phẩm… Chúng ta còn rất là nhiều tiềm năng để hợp tác trong thời gian tới.

Các nhà đầu tư Canada đang quan tâm tới những lĩnh vực hợp tác nào với Việt Nam, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lawrence MacAulay: Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp Canada sẽ có nhiều cơ hội hơn để xuất khẩu các sản phẩm dịch vụ cao cấp, chẳng hạn như công nghệ luân canh cây trồng nông sản và những sản phẩm phân bón cải tiến.

Việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đã  thắt chặt mối quan hệ thương mại của chúng ta bằng cách loại bỏ các rào cản thương mại và mang lại nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp  nông nghiệp, nông sản và hải sản của Canada và Việt Nam.

Xin Bộ trưởng cho biết phương hướng hợp tác nông nghiệp giữa Canada và Việt Nam trong thời gian tới?

Bộ trưởng Lawrence MacAulay: Việt Nam là thị trường trọng điểm đối với các các doanh nghiệp và tổ chức nông nghiệp của Canada. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ thông qua tăng cường thương mại và khám phá thêm các cơ hội hợp tác trong tương lai.

Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO), được hỗ trợ bởi Chính phủ Canada là một ví dụ về mối quan hệ hợp tác đó. Mục tiêu của SAFEGRO là nâng cao khả năng tiếp cận của người dân Việt Nam với các sản phẩm nông sản an toàn, giá cả phải chăng và cạnh tranh.

Với sự hợp tác đang diễn ra như thế này, chúng tôi tin rằng tình hữu nghị thân thiết giữa Canada và Việt Nam sẽ ngày càng bền chặt hơn như cách chúng ta đã xây dựng mối quan hệ bền chặt đó suốt 50 năm qua.

-  Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Năm 2022, thịt bò và các sản phẩm từ thịt bò là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Canada sang Việt Nam với 129,9 triệu CAD, chiếm 31,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản và thực phẩm của Canada sang Việt Nam.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác từ Canada sang Việt Nam trong năm 2022 gồm: Đậu nành (76,2 triệu CAD, chiếm 18,3%), nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (18,9 triệu CAD, chiếm 4,5%), thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn (16,8 triệu CAD, chiếm 4%), táo tươi (14,2 triệu CAD, chiếm 3,4%).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục